Làm sao hứng thú ?
Thời đại thông tin được cập nhật từng giây, từng phút mà SGK lại lạc hậu đến mức sử dụng thông tin cũ cả 5 - 10 năm thì học sinh (HS) làm sao mà hứng thú khi học? Trừ các thông tin có tính nền tảng như các vấn đề về tài nguyên, biển đảo, chủ quyền lãnh thổ... còn lại không thể để HS mù mờ như vậy được. Thông tin về thời tiết như lượng mưa, xâm nhập mặn... cũng phải cập nhật, để HS nắm rõ được diễn biến khí hậu, có kiến thức về vấn đề này, nhất là ở các vùng miền hay xảy ra bão lũ…
Nguyễn Lũy (H.Long Thành, Đồng Nai)
Kiến thức cơ bản mà lạc hậu quá
Kiến thức cơ bản về số lượng tỉnh, thành phố, sân bay, năng suất lúa bình quân… mà không cập nhật hằng năm thì làm sao các em hình dung được sự phát triển? Như vậy đủ thấy SGK quá lạc hậu, mà lỗi này thuộc về ngành giáo dục và đơn vị phát hành SGK.
Dương Xuân (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Phải đặt trong bối cảnh của thế giới
Học địa lý mà không mở rộng không gian so sánh ra với các quốc gia trên thế giới thì HS rất dễ chán. Không nên so sánh quá nhiều với quá khứ khi đề cập đến sự phát triển kinh tế - xã hội, vì mỗi giai đoạn có tính đặc thù khác nhau, mà phải cho HS biết rõ VN đang đứng ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới. Bằng các số liệu, thông tin được cập nhật, tôi tin các em sẽ hứng thú với môn học này.
Nguyễn Dũng (dungnguyen80@yahoo.com)
Kiến thức chủ quyền phải rõ ràng
Chủ quyền biên giới, biển đảo là vô cùng quan trọng. Giáo dục HS vấn đề này mà hời hợt, qua loa thì sẽ khó gieo vào lòng các em tình cảm yêu nước. Tôi đề nghị phải bổ sung ngay những kiến thức căn bản về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để HS nắm rõ được vị thế địa lý nước nhà do tổ tiên để lại.
Trần Văn Vũ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Cập nhật đầu năm học
Theo tôi, nếu NXB lo ngại tốn kém khi phải in sách hằng năm thì giải quyết vấn đề này không khó. Mỗi đầu năm học, khi phát hành sách, NXB cần cập nhật bằng cách in thêm tập số liệu, thông tin mới nhất kèm sách. Nếu có thể thì làm thêm các clip hoặc slide ảnh minh họa thì giờ học của các em cũng sẽ sinh động hơn.
Văn Dũng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Theo tôi, nếu chưa thể cập nhật trong SGK được thì cũng nên cho giáo viên được phép tự cập nhật, không nên cứng nhắc phải theo đúng chương trình. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, thế giới phẳng như hiện nay thì việc cập nhật không khó. Nhiều khi HS tự biết những thông tin mới, nhưng giáo viên thì cứ giảng những kiến thức cũ thì không thể chấp nhận được.
Huỳnh Thị Tố Trinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Trong tình hình Biển Đông đang căng thẳng như hiện nay, nhà nước cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền về khẳng định chủ quyền biển đảo thì việc đưa đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào dạy học là điều rất cần thiết. Không những môn địa lý mà cả môn lịch sử, giáo dục quốc phòng, văn học... cũng phải nêu đậm nét về quá trình lịch sử, đất đai, khí hậu, con người và cả về tình hình thực tế để khơi gợi lòng yêu nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho các em ngay từ ghế nhà trường.
Nguyễn Quang Nam (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)
|
Bình luận (0)