Tội dâm ô trẻ em bị xử lý thế nào?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
04/04/2019 14:38 GMT+7

Dâm ô là hành vi có tính chất dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của người thực hiện hành vi mà không nhằm mục đích giao cấu, người có hành vi dâm ô sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm.

Phạt tù cao nhất 12 năm

Luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, dâm ô là hành vi có tính chất dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của người thực hiện hành vi mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác. Biểu hiện của hành vi này thường là chạm vào khu vực nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân. Việc chạm mông, sờ đùi, sờ vào những chỗ nhạy cảm nếu nhằm để thỏa mãn dục vọng của người thực hiện hành vi thì đó là dấu hiệu khách quan của hành vi dâm ô.
Theo LS Lượng, theo điều 146 Bộ luật hình sự 2015 về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên, đối với hai người trở lên, đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, tái phạm nguy hiểm thì sẽ nhận mức án từ 3 đến 7 năm. Trường hợp làm nạn nhân tự sát, gây rối loạn tâm thần... mức án từ 7 đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích dấu hiệu để xác định cấu thành tội phạm đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, về mặt khách quan của tội phạm thì người phạm tội có hành vi sờ mó, hôn hít, chạm vào bộ phận nhạy cảm của người bị hại nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với người bị hại; Hoặc người bị hại có thể bị cưỡng ép để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi.
Về mặt chủ quan của tội phạm thì người thực hiện hành vi do lỗi cố ý, với mục đích nhằm kích thích hoặc thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội.

Có khởi tố được không nếu gia đình bị hại không tố giác?

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh (ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, nguyên là Phó Viện Trưởng - VKS ND TP.Đà Nẵng) đã có hành vi sàm sỡ cháu bé trong thang máy chung cư Galaxy 9 đường Nguyễn Khoái (P.1, Q.4) gây xôn xao dư luận, nếu gia đình cháu bé không tố giác đề nghị khởi tố thì liệu CQĐT có khởi tố hay không?
Trả lời vấn đề này, LS Lượng cho rằng hành vi của ông Linh đã thỏa mãn dấu hiệu hình sự của tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" quy định tại điều 146. Nhìn hình ảnh thì cháu bé trong thang máy chắc chắn là người dưới 16 tuổi, do đó thỏa dấu hiệu mặt chủ thể. Ngoài ra, ông Linh đã có 2 lần sàm sỡ, ép bé gái vào thang máy để hôn và một tay để ở những điểm nhạy cảm của bé gái, mặc dù cháu đã có những phản kháng, sợ hãi, chạy né nhưng ông Linh vẫn thực hiện.
“Đối với việc có khởi tố không, thì căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì : "Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết". Như vậy, ở đây điều 146 về tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi không thuộc phạm vi trên nên việc không có yêu cầu của bên bị hại thì vụ án vẫn khởi tố vụ án bình thường”, LS Lượng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.