Tôi đi làm báo

23/06/2022 14:00 GMT+7

Làm báo như một đam mê từ nhỏ, bài học đầu đời về sự trung thực, tính độc lập và nhu cầu tự học không ngừng đã giúp tôi theo nghề mãi đến tận hôm nay…

1. Thời tiểu học, tôi vào thư khố trường tiểu học công lập ở làng đọc hết các tập “sách hồng” dành cho thiếu nhi của Tự lực văn đoàn, rồi các tạp chí Phổ thông của Nguyễn Vỹ, lại đọc ngấu nghiến các loại báo hình. Có bữa trốn luôn trong thư khố để được đọc, thay vì phải về nhà để ăn trưa. Sách vở như một thế giới mở ra những chân trời mới, ngoài ruộng đồng, sông nước, lũy tre, cây đa và những con đường đất nhão nhoẹt bùn đất ở quê nhà. Lòng cứ mơ tưởng một ngày nào đó mình sẽ viết những bài báo, cuốn sách như những người nổi tiếng.

Nhà báo Trương Điện Thắng đưa hàng cứu trợ đến vùng lũ khi đã nghỉ hưu

Đến khi học đệ Tứ (lớp 9 ngày nay), tôi được cử vào ban báo chí lớp và bày ra chuyện làm “giai phẩm xuân” như các anh chị lớn. Tôi viết bài, trình bày, biên tập và vận động tài chính; các bạn khác vẽ bìa, minh họa trên giấy sáp (stencil). Chỉ có cái bìa mới được in typo ở nhà in. Tất cả các công đoạn đều làm ở nhà tôi, bạn bè tập trung lại ngoài giờ học. “Hoa học trò” là giai phẩm xuân đầu đời của bọn tôi. Chen lẫn trong niềm vui sách vở lúc ấy lại là một kỷ niệm buồn và cũng là bài học suốt đời tôi mang theo bên nghề cầm bút.

NXB Trẻ giới thiệu tác phẩm của nhà báo Trương Điện Thắng

NVCC

Lớp tôi do thầy giáo dạy Anh văn Nguyễn Văn Giai làm “giáo sư cố vấn”, tức giáo viên chủ nhiệm bây giờ. Thầy Giai đi du học Mỹ về, dạy Anh văn rất hay, tính tình ngay thẳng kiểu người Quảng Nam (sau này thầy tử nạn trong tai nạn rơi máy bay Boeing 727 ở Phan Rang mùa hè năm 1974). Trước khi đưa tờ giai phẩm đi in, tôi đã thưa với vài thầy cô ủng hộ tiền để thực hiện tờ báo, vài người hứa nhưng chưa đưa tiền cụ thể. Tôi bèn lập ra một danh sách “các thầy cô ủng hộ” rồi đưa cho thầy Giai. Hôm sau, bắt đầu hai giờ Anh văn đầu ngày, thầy Giai gọi tôi đứng lên rồi đưa tờ giấy ghi tên các giáo sư ủng hộ kinh phí làm giai phẩm ra trước lớp. Ông cho biết đã hỏi các thầy cô khác trong giờ nghỉ ở phòng hội đồng. Và sự thật là các thầy cô chưa ai “ủng hộ” cả! Thầy Giai nói: “Tôi biết các cậu rất đam mê làm một tờ báo của lớp ở năm cuối cấp, điều đó là đáng khen. Nhưng một cái không thể bỏ qua là sự thiếu trung thực trong việc kêu gọi ủng hộ của các cậu. Tờ giai phẩm ấy sẽ ra đời từ sự thiếu trung thực ấy. Đó là điều không thể chấp nhận. Như vậy liệu những điều các cậu viết ra, cả bây giờ lẫn trong tương lai, liệu có từ đáy lòng mình không?”.

Cả lớp im phăng phắc. Tôi thì cúi mặt chịu một trận “oanh tạc” từ người thầy khả kính. Tất nhiên tờ giai phẩm sau đó được thầy ủng hộ một ít kinh phí và nhiều bài vở, minh họa rất được khen ở Hội đồng giáo chức, nhưng với tôi, đó mãi mãi là một bài học không phai…

2. Năm đang học thi Tú tài 2 cũng đầy ắp kỷ niệm.“Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 chiến trường miền Trung trở nên nóng bỏng. Hàng vạn người dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bỏ chạy tán loạn vào Đà Nẵng để tránh bom đạn. Tôi bỏ lại bài vở ôn thi, theo các anh chị trong đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự đi cứu trợ, ra đến tận đỉnh đèo Hải Vân đón người chạy nạn, phát thuốc cho người ốm và đưa họ vào các trại tạm cư theo sự bố trí của các anh chị lớn tuổi là bác sĩ, kỹ sư, thương gia trong đoàn. Thấy người dân khổ quá, tối về thay vì học ôn bài vở tôi lại ngồi viết nhật ký. Hôm sau, tôi đưa mấy anh lớn tuổi đọc, họ thấy được bèn bảo gởi cho mấy báo ở Sài Gòn, cả văn xuôi lẫn thơ. Hai tờ tuần báo Khởi hànhNghiên cứu văn học đều đăng. Ham làm công tác xã hội, tôi thi hỏng kỳ thi đầu Tú tài hai. Tất nhiên là sau đó đã thi đậu ở kỳ 2 để lên đại học. Nhưng một niềm xung động vô hình từ những bài thơ, trang viết đầu đời đã thôi thúc và tôi bắt đầu viết!

Cũng năm đó, nhà văn Nguyễn Văn Xuân ra mắt Hội khuyến học và Tuần lễ văn hóa dân tộc, các ông Lê Ngộ Châu (Bách khoa), Phan Kim Thịnh (báo Văn học), linh mục Thanh Lãng (Nghiên cứu văn học) bảo tôi viết bài tường thuật cho họ. Bài tôi viết, tuy ngắn nhưng đăng liên tục ở Sài Gòn với bút danh Hà Huyền Hoa… Sau đó, khi vào trọ học ở Sài Gòn, tôi cộng tác với các báo Khởi hành của nhà văn Viên Linh, Tuổi ngọc của Duyên Anh, Thời tập của nhóm Nguyễn Mạnh Côn, Văn học của Phan Kim Thịnh và nhật báo Sóng thần của nhà văn Trùng Dương…

Đang học trường Luật, nghe thấy hãng phim Run Run Show ở Hồng Kông tung ra thị trường phim “Vietnam Rose” (được dịch là “Việt Nam mai quế”) kể chuyện một lính Mỹ bị bệnh giang mai khi chơi bời ở Việt Nam rồi khi đi nghỉ phép ở Hồng Kông đã đem căn bệnh gieo rắc ở xứ ấy. Tên phim chính là căn bệnh ấy… Tôi đứng tên thật của mình và “Đại diện một nhóm sinh viên Luật khoa Sài Gòn” ký vào một lá thư phản ứng, nhờ các anh chị ở tạp chí Kịch trường gởi đăng trên hơn chục tờ nhật báo, yêu cầu thu hồi phim vì bôi nhọ hai tiếng “Việt Nam” và buộc họ phải xin lỗi chính phủ cả hai miền nam bắc nước ta. Sau này, nghe mấy nhà báo quen biết kể lại, phim ấy đã không được đưa vào Đông Nam Á. Còn tôi lại lao vào việc học và thi cử ở cả hai trường đại học, nên chẳng thu thập được tài liệu. Nhưng chắc ở các kho lưu trữ báo chí miền nam năm 1972-1973 vẫn còn!

Tôi trở thành “cây bút sinh viên” hồi nào chẳng hay, cho đến ngày 30.4.1975…

3. Sau 1975, tôi về Đà Nẵng, tham gia vài hoạt động đoàn thể và văn hóa. Đầu năm 1976 tôi xin đi làm nhân viên trong ngành nông nghiệp ở Quảng Nam, lại quen tay viết nhiều bài về nông thôn gởi các báo ở Quảng Nam và Đà Nẵng, rồi Đại Đoàn Kết, Nông Nghiệp... tạo được vài dư luận.

Năm 1976, bài thơ Đi qua rừng định canh lần đầu được in trên báo xuân Quảng Nam - Đà Nẵng rồi sau đó là các bài Đàn cò tôi cùng các ghi chép về nông thôn Quảng Nam. Hồi đó, một công nhân được in hình trên báo thôi cũng phải có lý lịch rõ ràng, huống hồ mình là một sinh viên lại được in bài trên báo, quả là niềm phấn khích. Cố nhà thơ Chính Ngôn, người phụ trách báo Quảng Nam - Đà Nẵng, chẳng hề biết tôi đã quyết định in bài thơ đó, mà như ông kể, cũng chẳng dễ dàng gì…

Năm 1985, tôi được trao một giải thưởng nhỏ với truyện ngắn Bi kịch những con số của Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng và có một phóng sự Hành trình NPK viết về những tiêu cực trong ngành vật tư nông nghiệp ở miền Trung, một trong 7 phóng sự gây sự chú ý trên báo Văn Nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập (năm 1986). Nhờ đó, các nhà văn Phan Tứ, Hoàng Minh Nhân đã vận động cho tôi chuyển về tạp chí Đất Quảng, có lúc phụ trách trị sự, rồi phóng viên, biên tập viên và cả làm tòa soạn. Nhưng cũng lắm chuyện vui buồn trong cả nghề nghiệp lẫn đối nhân xử thế. Năm 1992, sau khi gởi đăng nhiều tin bài và một truyện ngắn Ánh sáng và bóng tối trên tuần san Thanh Niên, anh Nguyễn Công Khế mời tôi về Báo Thanh Niên làm việc cho đến khi nghỉ hưu tại miền Trung…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.