“Từng quằn quại vì dị chứng…”
Đến lưng chừng đèo Hải Vân (phía TP.Đà Nẵng), phóng tầm mắt về phía vịnh Nam Chơn (thuộc Q.Liên Chiểu) có thể thấy một bãi đất bằng phẳng, yên bình nép bên bờ biển. Đó chính là làng phong Hòa Vân, còn gọi là làng Vân, lập từ năm 1968. Mỗi lần nhìn về làng cũ, những người dân từng có “hộ khẩu làng Vân” cảm xúc lẫn lộn. Buồn vì đó là nơi để họ náu mình, trốn chạy những ánh mắt kỳ thị, xa lánh vì bệnh phong. Vui là vì từ năm 2012, sau 44 năm thực hiện “sứ mệnh” cưu mang những phận đời tủi hổ, “làng Vân” chính thức được xóa tên.
Khu vực làng Vân năm xưa nhìn từ đèo Hải Vân |
HOÀNG SƠN |
“Năm nay, tròn 10 năm ngày dân làng Vân thu dọn đồ đạc, lục tục lên những chuyến đò vào đất liền. Riêng tôi, làng Vân chính là quê hương thứ hai mà tôi đã gắn bó đến 35 năm trước khi rời đi theo chủ trương của TP. Ở đó tôi cũng tìm thấy hạnh phúc của đời mình. Bà xã đã sinh hạ cho tôi 2 đứa con khỏe mạnh…”, ông Đặng Ngọc Ái, Phó trưởng ban Công tác mặt trận tổ 9 (P.Hòa Hiệp Nam) lần giở câu chuyện.
Năm 1977, sau khi phát hiện mình bị bệnh phong, ông đã một mình từ Tam Kỳ (Quảng Nam) đến làng Vân để được chữa trị và ở lại khai hoang, lập nghiệp. Đến năm 1980, bệnh tình thuyên giảm, ông Ái nghĩ đến chuyện lập gia đình. Và ông đã gặp vợ mình (quê H.Đại Lộc, Quảng Nam) ở làng Vân. Họ đến với nhau, chia sẻ những ngọt bùi mà chỉ những người đồng cảnh ngộ mới thấu hiểu…
Ông Ái kể, ngày ngày ông đi chăn bò, hốt phân để vợ làm ruộng. Dạo đó, người dân làng Vân chủ yếu sống tự cung, tự cấp. Người có khiếu “sát ngư” thì dong thuyền đánh cá, người có tay trồng trọt thì vỡ đất làm ruộng, trồng cây ăn quả… Đường sá chưa được mở nên làng Vân không khác gì một ốc đảo, cô đơn nhìn về thành phố hoa lệ. Thế nhưng, cả làng hơn 300 người (khoảng 150 hộ) đến từ nhiều nơi như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định… đã chung tay làm nên một “thôn văn hóa” đậm tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống ở đây tuy có phần lạc hậu, thiếu thốn nhưng yên bình.
Hoàn cảnh mẹ già nuôi con tâm thần, cụ Nguyễn Thị Phú (82 tuổi) nhận được sự quan tâm của rất nhiều người khi ở làng Vân. Bởi vậy, lúc rời khỏi làng bà có chút chơi vơi vì không biết nay mai cuộc sống ở phố thị có hà khắc với mẹ con bà... Đó cũng là tâm trạng của nhiều người khi vào đất liền tái định cư. Hoàng Yến, một người con của làng Vân, đã có những câu thơ nghe xót lòng: “Ôi! Hòa Vân, một khung trời nhỏ bé của quê hương/Đã từng chịu nhiều đắng cay tủi hổ chán chường/Từng quằn quại vì dị chứng của loài Han-sen quái ác/Và với định kiến ngàn đời từng bóp nát vạn con tim…” (Tình thương và hiện thực).
Thế hệ mới sinh ra tại tổ 9 (P.Hòa Hiệp Nam) hoàn toàn khỏe mạnh, được học hành đàng hoàng |
“Bình minh đã ló dạng”
Hoàng Yến là bút danh của một người đàn ông mắc bệnh phong, từng sinh sống nhiều năm ở làng Vân. Ông có nhiều bài thơ được in trong Thi tập Lấp lánh tình người (NXB Hội Nhà văn - 2017). Nhiều bài thơ của Hoàng Yến đã chạm đến thẳm sâu trái tim của những người mắc bệnh phong, chia sẻ nỗi đau của người đồng cảnh ngộ, câu từ thể hiện khát vọng được hòa nhập cộng đồng, nhất là khi nghĩ đến thế hệ trẻ.
Con gái thứ hai của vợ chồng ông Ái, năm nay 37 tuổi, không thể nào quên những ngày vì đeo đuổi con chữ mà đã chịu không biết bao tủi hổ. “Hồi đó, tại làng chỉ có điểm trường cấp 1. Học hết lớp 5, biết chữ, biết cộng trừ nhân chia, đa số con em trong làng đều muốn quẩn quanh với ba mẹ nên nghỉ học chăn bò, làm ruộng… Tôi quyết tâm học lên cao hơn nữa vì đam mê chứ cũng chưa nhận thức việc học để thay đổi cuộc sống…”, chị nhớ lại. Vợ chồng ông Ái nghe con gái xin đi học thì lo lắm. Bởi trường THCS, THPT ở trong phố. Cô con gái nhỏ dại lại mang tiếng là cư dân làng phong sẽ sống và vượt qua những định kiến của xã hội thế nào? Thương con, nhưng ông tặc lưỡi: Học được đến đâu hay đến đó!
Vậy là cô con gái tạm biệt gia đình vào TP nương nhờ nhà người quen. Xong bậc THCS, chị học tiếp THPT rồi thi đỗ vào Trường CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng. Hằng tháng vợ chồng ông Ái chắt bóp gửi tiền, gửi gạo cho con đi học. “Nhớ nhất là hôm mới bước chân lên bờ đi học lớp 6. Tôi đang chơi vui vẻ thì có bạn thốt lên 2 chữ “làng phong”, tự dưng lòng tôi chùng xuống, không thể hồn nhiên chơi với các bạn được nữa. Không ít đắng cay nhưng tôi cố gắng vượt qua để chí ít không làm ba mẹ buồn”, chị nhớ lại.
Những người già yếu chịu nhiều di chứng bệnh phong ở nhà làm việc nhẹ để cải thiện đời sống |
Nghị lực hơn, Đ.N.A, con trai đầu của ông Ái, không chỉ vượt qua những mặc cảm để đeo đuổi việc học mà còn học lên đến thạc sĩ, hiện là giáo viên THPT tại Q.Liên Chiểu. Hay trường hợp khác, cô giáo H.T.T.O, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương (P.Hòa Hiệp Nam)… “Giờ thì khác rồi, ai hỏi tôi cũng kể rõ ngày xưa tôi ở làng Vân, đã đi qua những ngày tháng cơ cực. Các con tôi lớn lên cũng được đi học đàng hoàng. Xã hội ngày càng hiểu biết hơn về căn bệnh nên không sợ hãi nữa. Mình nhờ thế mà cũng tự tin hòa nhập với cộng đồng”, chị trải lòng.
Về dựng lại cơ nghiệp ở tổ 9, mỗi hộ dân được bố trí một căn nhà liền kề có diện tích hơn 70 m2. Mười năm qua, từ khoảng 80 hộ dân ban đầu, tổ 9 còn lại hơn 50 hộ do một số hộ đơn thân được người nhà đến đón về chăm sóc hoặc về quê. Thêm nhiều người nơi khác đến mua, thuê nhà chẳng chút e dè. Họ sống chan hòa, thân thiện. Hằng ngày, người già lui tới thăm hỏi nhau, chia nhau từng con cá, mớ rau… Còn thanh niên thế hệ sau khỏe mạnh, người đã làm giáo viên, kỹ sư, người làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ…
Sống cuộc sống bình thường
Không giống người trẻ vào bờ để hy vọng thay đổi cuộc sống, những người già yếu cộng nhiều di chứng bệnh phong như cụ Nguyễn Thị Nga (79 tuổi) chỉ mong chuyện đi lại được thuận lợi. Thời ở làng cũ, mỗi lần ai ốm đau là cả làng nhốn nháo, thanh niên phải tập trung dùng cáng khiêng ra ngoài đi cấp cứu. Ở tuổi gần đất xa trời, được về thành phố để gần bệnh viện, chợ búa… cụ mừng lắm. “Giờ gần bệnh viện, muốn đi giờ nào cũng được. Chứ sợ nhất lúc đau ốm không kịp đi cấp cứu”, cụ Nga chia sẻ.
Những cư dân mới chuyển đến sống chan hòa, chẳng chút e dè với người dân tổ 9 |
Cụ Nguyễn Văn Xứng (85 tuổi, nguyên Trưởng ban Công tác mặt trận Hòa Vân) bảo 10 năm về ở tổ 9, cụ được cấp nhà, được chính quyền địa phương quan tâm nên rất yên tâm. Cụ là một thương binh uy tín đối với người dân. “Đa số dân tổ 9 đều có hoàn cảnh rất khó khăn. 10 năm rồi, nhà cửa xuống cấp, dột nhiều nơi nhưng tôi cũng như nhiều người chưa có tiền sửa. Chúng tôi cũng mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa…”, cụ Xứng nói.
Cụ Xứng chỉ muốn những kỷ niệm buồn ở làng Vân được ngủ quên, để thế hệ con cháu có thể tự tin bước tiếp cuộc đời trong tâm thế bình thường của một người rất đỗi bình thường. Từ năm 1980 trở đi, bệnh phong đã được chữa khỏi. Những ngày xưa cũ cũng đã lùi xa. Tên đơn vị hành chính “làng phong Hòa Vân” cũng đã xóa. “Chúng tôi đã hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân bình thường. Đừng gọi tôi là người làng phong, làng cùi nữa. Tôi là công dân tổ 9”, cụ Xứng thẳng thắn.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho hay không chỉ riêng những hộ được hưởng chế độ chính sách, người dân sinh sống tại tổ 9 luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của địa phương, nhất là dịp lễ tết, các đợt dịch Covid-19, thiên tai… “Địa phương cũng thường xuyên tìm kiếm việc làm từ các cơ quan, nhà máy trên địa bàn quận để giới thiệu, tạo sinh kế cho người dân… Còn nếu hộ nào tham gia buôn bán, kinh doanh nhỏ trong tổ 9, địa phương sẽ hỗ trợ tối đa”, ông Huy nói.
Bình luận (0)