Một người luôn vui vẻ lại mắc bệnh về tâm lý
Nhìn lại 2 năm đối mặt với căn bệnh trầm cảm và rối loạn xã hội, chị H.Đ.K.N (22 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) chỉ có thể diễn tả khoảng thời gian đó bằng từ “kinh khủng”.
N. không biết chính xác mình bị trầm cảm từ khi nào nhưng bắt đầu nhận thấy tinh thần không ổn định vào năm lớp 12. Tuy nhiên, chị vẫn luôn gồng mình đeo lớp “mặt nạ vui vẻ” trước mọi người.
“Trước mặt người khác, tôi tỏ ra mình là người có nhiều năng lượng. Mỗi khi có chuyện buồn, tôi cũng không thể kể với ai vì không muốn họ lo lắng. Tôi tự gọi đó là sự tích cực độc hại. Mỗi ngày, tôi thức dậy với tâm trạng chán nản và không tìm thấy động lực để làm bất cứ công việc gì”, chị nhớ lại.
Những biến cố trong công việc, học tập và những mối quan hệ bạn bè dần đẩy chị “rơi vào một vòng luẩn quẩn và trở nên mất kiểm soát”. Hàng ngàn câu hỏi được đặt ra: Tại sao mọi thứ lại khó khăn với mình đến vậy, nếu mình chọn kết thúc tại đây thì có phải nhẹ nhõm hơn không...
Khá nhiều người thăm khám tâm thần và hỗ trợ tâm lý khi giai đoạn trầm cảm vượt qua mức vừa và gần đến mức nặng |
shutterstock |
Đỉnh điểm là nhiều lần, N. tự làm đau chính bản thân mình bằng mọi cách có thể. Nhưng suy nghĩ “có lỗi với gia đình” đã thôi thúc chị tìm tới bác sĩ tâm lý. “Với tôi, gia đình rất quan trọng vì vậy, tôi chọn sống tiếp. Tôi không kiềm được nước mắt và đã kể hết những nỗi lo lắng trong lòng mình với bác sĩ. Sau buổi khám bệnh, tôi được chẩn đoán mắc trầm cảm mức độ vừa và lo âu mức độ nặng”, chị nghẹn ngào.
Trở về nhà, N. lần đầu tiên đem câu chuyện này ra kể với ba mẹ và bạn bè thân thiết. Tất cả mọi người bàng hoàng vì không ai nghĩ một người luôn vui vẻ lại mắc bệnh về tâm lý. Nhưng cũng chính từ lúc đó, sự quan tâm, động viên của mọi người làm chị cảm thấy bản thân chưa bao giờ nhẹ nhõm đến thế.
Dịch Covid-19 ập tới, N. ở nhà nhiều hơn và hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chị duy trì nhịp sống chậm và từng bước “vỗ về” bản thân. N. thay đổi thói quen sinh hoạt, tối đi ngủ sớm và sáng dậy sớm. Mỗi ngày, chị dành ra hai tiếng để tập thể dục.
Tất cả những điều đó đã giúp N. dần thoát khỏi “hố đen tâm lý” suốt nhiều năm. “Vận động giúp tôi giải phóng năng lượng tiêu cực, đầu óc nhẹ nhõm hơn. Giờ đây, cảm xúc và tâm lý của tôi đã trở nên ổn định hơn”, N. chia sẻ.
Bước qua thời kỳ rối loạn tâm lý đã hơn một năm nay, L.T.P (sinh viên năm cuối trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhìn lại và gọi căn bệnh trầm cảm của mình là “một món quà từ bóng tối”.
Kiều Phúc (23 tuổi, ngụ TP.HCM) đã và đang đối mặt với trầm cảm từ năm học lớp 11. |
NVCC |
"Trầm cảm như một quả bong bóng"
Nhớ lại giai đoạn khi vừa chia tay người yêu, vừa không thể ra khỏi nhà vì dịch, P. kể tinh thần sa sút đến độ điểm số trung bình học kỳ tuột dốc thảm hại, mất ngủ triền miên. “Tôi đã muốn bỏ đi đâu đó thật xa vì nghĩ rằng tất cả những đau khổ của mình là do gia đình, bạn bè gây nên”, P. kể.
Ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, P. “cứu vớt” mình bằng cách tìm đến những hội nhóm trên mạng xã hội, xem các video hướng dẫn chữa lành, tham gia các khóa học cộng đồng... “Tôi không muốn chia sẻ với bố mẹ vì không muốn mang sự tiêu cực đến với gia đình mình”, chị giải thích.
Sau một thời gian tự chữa lành, P. nói rằng bản thân giờ đây như “con bướm vừa thoát ra khỏi kén”. Với chị, “trầm cảm như một quả bong bóng, đến lúc đầy ắt sẽ nổ vụn, nhưng sau đó cũng là cơ hội để tôi thấu hiểu và yêu thương bản thân nhiều hơn”, P. bộc bạch.
K.N. tìm đến bác sĩ tâm lý và được chẩn đoán mắc trầm cảm mức độ vừa (dựa vào tổng số điểm của thang HAM-D) |
NVCC |
Gia đình là điểm tựa
Cùng trong hoàn cảnh đó, Kiều Phúc (23 tuổi, quản lý cửa hàng thời trang trẻ em, ngụ TP.HCM) đã và đang chống chọi với căn bệnh trầm cảm 6 năm qua. Từ năm học lớp 11, Phúc xuất hiện nhiều cơn choáng váng và mệt mỏi kéo dài. Gia đình gặp khó khăn về tài chính, Phúc ăn uống bỏ bữa, học hành quá tải từ 5 giờ sáng đến 23 giờ, tất cả ập đến đã làm tình trạng của Phúc ngày càng tồi tệ hơn bao giờ hết.
Từ một học sinh ưu tú, Phúc trở nên suy nhược cơ thể, tinh thần sa sút và điều này khiến chị không thể làm mọi việc xuất sắc như trước. “Tôi đã cảm thấy thế giới này không còn ai tốt với mình nữa, mình thật đáng thương, mình luôn là nạn nhân trong mọi vấn đề”, chị tâm sự.
Không chỉ thế, panic attack (cơn hoảng loạn bất ngờ xảy ra khi không có một mối đe dọa hoặc nguy hiểm rõ ràng nào xuất hiện) ập đến với tần suất dày đặc. Mỗi khi hoảng loạn, Phúc la ó, run rẩy không kiểm soát.
Đỉnh điểm là đã nhiều lần, chị toang cứa tay mình để kết thúc tất cả. Nhưng nghĩ đến câu nói của em gái “Hồi đó chị bận học chị đâu thèm nói chuyện với em”, nghĩ đến những giọt nước mắt đau khổ của ba mẹ, chị hoàn hồn và buông dao xuống…
“Tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, em gái và những người bạn của mình, họ đã không bỏ rơi tôi những lúc như thế này", Phúc chia sẻ |
shutterstock |
Hai năm sau khi tìm đến một bác sĩ tâm lý có tiếng, Phúc được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu và trầm cảm kèm theo ám ảnh cưỡng chế, sợ xã hội. 4 năm liền điều trị bằng thuốc, cứ mỗi lần uống vào lại nôn ra, chị lo sợ đến bật khóc.
Đến giữa năm 2020, vô tình biết đến khái niệm chữa lành, Phúc bắt đầu tìm cách giải phóng bản thân khỏi những tiêu cực. Không những hằng ngày tập hít thở, ngồi thiền, tiếp xúc với cây xanh, chơi với cún, chị còn tập tành viết blog để chia sẻ tâm sự, an ủi những người cùng hoàn cảnh. “Tôi mong rằng những dòng chữ của mình sẽ cứu được một ai đó”, Phúc nói.
Hơn hết, con đường thoát khỏi trầm cảm không thể thiếu điểm tựa từ gia đình. “Tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, em gái và những người bạn của mình, họ đã không bỏ rơi tôi những lúc như thế này, nhất là ba mẹ - người đã đồng hành cùng tôi vượt qua vô số lần panic attack và kéo tôi khỏi ý nghĩ kết thúc đời mình”, Phúc nghẹn ngào.
Giờ đây, dù vẫn đang trong hành trình chiến đấu với trầm cảm, nhưng việc chấp nhận bệnh và biết yêu thương bản thân đã giúp chị có tâm lý nhẹ nhàng hơn khi đối mặt với những cơn hành của căn bệnh.
“Không phải ai cũng là than đá”
Theo báo cáo nghiên cứu Changing Childhood (Tuổi thơ đang thay đổi) của UNICEF, trong nửa đầu năm 2021, khoảng 19% số người trong độ tuổi từ 15-24 ở 21 quốc gia và vùng lãnh thổ cho biết họ thường cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì. Ngoài ra, 83% tin rằng việc giải quyết sức khỏe tâm thần bằng cách chia sẻ với những người khác và tìm kiếm sự hỗ trợ sẽ tốt hơn là một mình vượt qua.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Hải Uyên, Thạc sĩ tâm lý, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng chúng ta thường quan niệm áp lực tạo thành kim cương, nhưng quên mất rằng không phải ai cũng là than đá.
Những lời khuyên “đừng buồn nữa”, “hãy cố lên”, “chuyện chẳng có gì cả” có khả năng trở thành sự tích cực độc hại (toxic positivity) đối với người trầm cảm. Điều mà những người trầm cảm thực sự cần là sự chấp nhận, lắng nghe và cảm thông từ những người thân thiết.
Nếu đang cảm thấy mình có nguy cơ trầm cảm, bạn trước hết cần dừng lại để quan sát bản thân: Tôi cảm thấy mệt và đau ở những bộ phận nào? Tôi đang có cảm xúc gì? Tôi cảm thấy bị đe dọa bởi những điều gì? Sau đó, hãy tìm đến các đơn vị hỗ trợ tâm lý tâm thần hoặc nhờ sự giúp đỡ của một người thân bạn tin tưởng để giúp tìm kiếm các nơi hỗ trợ.
Bình luận (0)