Tối nay, người dân TP.HCM ra bến Bạch Đằng ngắm trăng máu kỳ thú nhất năm

08/11/2022 19:13 GMT+7

Chiều tối nay (8.11), nhiều người yêu thiên văn tại TP.HCM đã hẹn nhau tại công viên bến Bạch Đằng (Q.1), cùng quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần (còn gọi là trăng máu) được mong chờ nhất trong năm.

Theo các chuyên gia, nguyệt thực toàn phần cuối cùng của năm nay đạt cực đại lúc 17 giờ 59 phút, ngày 8.11 (giờ Hà Nội). Tại Việt Nam có thể quan sát từ các vị trí nhìn về hướng Đông, nếu tình hình thời tiết thuận lợi.

Từ chiều 8.11, nhiều người đã có mặt tại công viên bến Bạch Đằng để sẵn sàng quan sát nguyệt thực
cao an biên
Dù có thể quan sát bằng mắt thường, tuy nhiên sẽ thú vị hơn nếu hiện tượng này được quan sát bằng ống nhòm
cao an biên

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) tại Hà Nội, Mặt Trăng mọc lúc 17 giờ 12 phút, còn ở TP.HCM là 17 giờ 22 phút (các tỉnh và thành phố khác có dao động một vài phút). Trong khi đó, quá trình nguyệt thực sẽ bắt đầu từ 15 giờ 02 phút, pha toàn phần diễn ra lúc 17 giờ 16 phút và kéo dài khoảng 85 phút.

Poll TNO
Bạn có ngắm trăng máu tối nay?

“Với người quan sát tại Việt Nam, hiện tượng này diễn ra hơi sớm. Nó bắt đầu khi Mặt Trăng còn chưa mọc nên chúng ta sẽ bỏ lỡ giai đoạn đầu của nguyệt thực lần này. Mặc dù vậy, nếu có điều kiện quan sát đủ thuận lợi, người yêu thích thiên văn vẫn có thể theo dõi được nửa sau của pha toàn phần cũng như toàn bộ pha một phần và nửa tối sau đó”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) nhận định.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm HAAC cho biết chiều nay TP.HCM nhiều mây, việc quan sát nguyệt thực cần kiên nhẫn và may mắn

cao an biên
Nhiều người yêu thiên văn sẵn sàng quan sát hiện tượng này,
cao an biên
Nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam ngày 8.11.2022

Tại TP.HCM, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư (HAAC) bắt tổ chức quan sát nguyệt thực toàn phần tại công viên bến Bạch Đằng (Q.1), bắt đầu từ 17 giờ 30 phút. Ngay từ sớm, hàng trăm người đã có mặt tại đây với đủ các loại ống nhòm, thiết bị thiên văn chờ đón được quan sát hiện tượng này.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm HAAC, vị trí bến Bạch Đằng khi nhìn về hướng Đông, nơi xuất hiện nguyệt thực không bị tòa nhà nào chắn nên rất dễ để quan sát. Tuy nhiên anh nhận định chiều tối nay, hướng nhìn tại khu vực này nhiều mây, không thuận lợi.

Càng về tối, lượng người đổ về trung tâm TP.HCM ngắm nguyệt thực càng đông đúc
cao an biên

“Dù đã trang bị ống nhòm, tuy nhiên vẫn còn rất hên xui, may mắn là về tối vẫn có thể ngắm được hiện tượng này. Thật khó để bỏ lỡ vì lần tiếp theo chúng ta có thể quan sát nguyệt thực toàn phần từ Việt Nam sẽ là tháng 9.2025”, anh Tuấn nói thêm.

Vốn là người yêu thiên văn, anh Lê Phúc Kha (26 tuổi) ngay sau khi tan làm đã tranh thủ đi từ Q.Bình Thạnh sang khu vực Công viên bến Bạch Đằng để ngắm trọn vẹn hiện tượng nguyệt thực. Anh cho biết dù có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường, nhưng anh có trang bị thêm ống nhòm để quan sát dễ dàng hơn.

Nhiều người thích thú ngắm nguyệt thực lúc 19 giờ kém

Cao an biên

Dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đợi
cao an biên
Poll TNO
Thời tiết nơi bạn ở có tốt không, để ngắm nguyệt thực toàn phần tối nay?

“Ban đầu có chút hụt hẫng vì mây nhiều ở đường chân trời, không thấy được nguyệt thực trọn vẹn. May mắn là lát sau khi trăng lên cao hơn mình có ngắm được một chút. Với những người yêu thiên văn như bọn mình khi được ngắm những hiện tượng như vậy rất sướng luôn”, anh Kha nói.

Theo quan sát, 18 giờ kém, tình hình thời tiết ở TP.HCM vẫn còn nhiều mây, chưa thể quan sát được hiện tượng này. Tuy nhiên nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đợi để có thể ngắm các pha còn lại của nguyệt thực toàn phần lần này.

Đến hơn 18 giờ 45 phút, trăng lên cao, người yêu thiên văn đã có thể ngắm được hiện tượng này.

Người yêu thiên văn thích thú ghi lại khoảnh khắc

Cao an biên

Nhiều người ở nơi có thời tiết xấu ngắm hiện tượng này thông qua livestream
ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) tổ chức livestream trực tiếp hiện tượng nguyệt thực toàn phần quan sát được tại Hà Nội và thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thiên văn.

Anh Nguyễn Nghiêm Thành (25 tuổi, Q.Cầu Giấy) cho biết anh vừa quan sát thông qua livestream, vừa quan sát trực tiếp bên ngoài. "Dù không có ống nhòm, có lúc cũng có nhiều mây nhưng mình cũng quan sát được một chút. Vô cùng thú vị vì không phải lúc nào cũng ngắm được hiện tượng này", anh nói thêm.

Dưới đây là lịch trình chi tiết của hiện tượng, tính theo giờ Việt Nam ngày 8.11.2022 (theo Timeanddate.com).

- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15 giờ 02 phút

- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16 giờ 09 phút

- Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 17 giờ 16 phút

- Nguyệt thực cực đại: 17 giờ 59 phút

- Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18 giờ 41 phút

- Nguyệt thực một phần kết thúc: 19 giờ 49 phút

- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20 giờ 56 phút

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.