Tối nay người Việt đừng bỏ lỡ mưa sao băng kép cực đại 'thắp sáng' bầu trời

29/07/2024 20:20 GMT+7

Tối nay và rạng sáng mai (29 - 30.7), người yêu thiên văn Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng 2 trận mưa sao băng cùng đạt cực đại ngoạn mục.

Trang Space.com thông tin quỹ đạo của trái đất giao nhau với quỹ đạo của 2 sao chổi trong tháng 7 này, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng kép ngoạn mục.

Sở dĩ gọi đây là trận mưa sao băng kép khi cả Alpha Capricornids và Southern Delta Aquarids đều cùng đạt cực đại. Chuyên gia cho rằng đây là "sự trùng hợp đáng kinh ngạc". Mưa sao băng xảy ra khi quỹ đạo trái đất giao với đường đi của sao chổi. Các mảnh vỡ do sao chổi để lại sẽ cháy khi đi lao vào bầu khí quyển của trái đất.

Tối nay người Việt đừng bỏ lỡ mưa sao băng kép cực đại 'thắp sáng' bầu trời- Ảnh 1.

Các mảnh vỡ do sao chổi để lại sẽ cháy khi đi lao vào bầu khí quyển của trái đất tạo thành mưa sao băng

HUY HYUNH

"Trong trận mưa sao băng kép tháng này, trái đất sẽ đi qua quỹ đạo của sao chổi 96P/Machholz, gây ra mưa sao băng Southern Delta Aquarids đạt cực đại vào ngày 29 - 30.7 và sao chổi 169P/NEAT, tạo ra mưa sao băng Alpha Capricornids đạt cực đại vào ngày 30 - 31.7", Space.com thông tin.

Có bất thường không?

Theo các nhà nghiên cứu, việc 2 trận mưa sao băng đạt đỉnh trong vòng 24 giờ là "hơi bất thường". Tuy nhiên, việc nhiều trận mưa sao băng có thể nhìn thấy trong cùng một đêm thì sao? Chắc chắn không quá bất thường bởi mỗi năm có hàng trăm trận mưa sao băng xuất hiện trên bầu trời.

Vào lúc cực điểm, Southern Delta Aquarids sẽ "chiêu đãi" người xem khoảng 20 - 25 sao băng mỗi giờ. Southern Delta Aquarids sẽ xuất hiện khá mờ nhạt. Bạn cần đến một địa điểm tối, tránh xa ánh sáng, giao thông, tránh xa điện thoại di động và để mắt bạn thích nghi với bóng tối. Đó là cách bạn có thể có cơ hội nhìn thấy một số vệt sao băng mờ nhạt đó.

Tối nay người Việt đừng bỏ lỡ mưa sao băng kép cực đại 'thắp sáng' bầu trời- Ảnh 2.

Nêm ngắm mưa sao băng sau nửa đêm

HUY HYUNH

Trong khi đó, mưa sao băng Alpha Capricornids ít xảy ra hơn nhiều, nhưng chúng có thể sáng hơn và ngoạn mục hơn, theo chuyên gia. Mưa sao băng kép sẽ được quan sát tốt nhất ở Nam bán cầu, tuy nhiên những người ở Bắc bán cầu (bao gồm Việt Nam) cũng có thể nhìn thấy mưa sao băng nếu có tầm nhìn rõ ràng về đường chân trời phía nam.

Cả hai trận mưa sao băng này sẽ tiếp tục cho đến giữa tháng 8. Theo chuyên gia, các trận mưa sao băng đều đạt đỉnh vào sáng sớm giữa 2 và 4 giờ. Vì vậy, nếu muốn xem những trận mưa sao băng này, cơ hội tốt nhất để bạn nhìn thấy sao băng là đến một địa điểm tối và xem sau nửa đêm.

Đang có chuyến du lịch ở Đắk Lắk, anh Nhật Hào (24 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết sẽ dành thời gian sau nửa đêm để ngắm 2 mưa sao băng đặc biệt này. Anh cho biết nơi mình đến không bị ô nhiễm ánh sáng, tầm nhìn thoáng đãng, hy vọng thời tiết tốt để có thể thuận lợi quan sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.