Tháng 4.2018, Obiora Walter Chime (33 tuổi, quốc tịch Nigeria) sa lưới Công an TP.HCM do sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản.
[VIDEO] Tội phạm công nghệ cao giả danh triệu phú USD, công an vẫn hoành hành
|
Bước đầu, Obiora khai đầu năm 2018 được một trùm đường dây lừa đảo quốc tế cử sang VN móc nối với một số phụ nữ Việt, nhờ thành lập hơn 10 công ty, mở hàng chục tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Thủ đoạn của đường dây tội phạm này là tạo email gần giống của doanh nghiệp (DN) VN làm ăn với DN nước ngoài, sau đó hack (xâm nhập) email của DN để lấy cắp thông tin hợp đồng mua bán giữa hai DN. Khi nắm được hợp đồng, chúng sử dụng email “nhái” của DN VN yêu cầu đối tác nước ngoài chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của chúng. Đến khi bị bắt, Obiora cùng đồng bọn chiếm đoạt hàng tỉ đồng của DN.
|
Mất tiền, không dễ đòi được
Ma mãnh hơn, cũng bằng thủ đoạn hack (xâm nhập) email nhưng không lấy cắp thông tin tạo địa chỉ mail gần giống... để lừa mà chúng “khống chế” mail của DN, tự giao dịch với đối tác, yêu cầu chuyển tiền thanh toán hàng hóa rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, một nhóm tội phạm đã yêu cầu 2 công ty kinh doanh khoáng sản ở Hồng Kông (là đối tác của DN ở VN) chuyển cho chúng hơn 260.000 USD...
Theo Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), thực tế nhiều khách hàng bị sập bẫy bọn tội phạm, tới yêu cầu Vietcombank hỗ trợ đòi tiền từ NH nước ngoài. Tuy nhiên, việc đòi được tiền đối với giao dịch bị hack email là rất thấp do hacker thường rút tiền ra khỏi tài khoản ngay khi nhận được hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp của NH nước ngoài. Một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM nhìn nhận: “Do bọn tội phạm thực hiện hack email và trao đổi, gửi email tại các máy tính có địa chỉ IP ở nước ngoài hoặc tài khoản nhận tiền thụ hưởng của DN bị lừa đảo mở tại NH ở nước ngoài nên muốn truy xét các nghi phạm phải thực hiện ủy thác tư pháp quốc tế đề nghị hỗ trợ xác minh”. Vị này cũng cảnh báo, hiện hacker thường yêu cầu chuyển tiền đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Mỹ... Ngoài ra còn có các quốc gia ở châu Âu, đặc biệt là Anh, do tại thị trường này các NH thực hiện ghi có cho khách hàng theo số tài khoản mà không kiểm tra tên tài khoản.
Đau đầu với tiền ảo
Nhưng tội phạm công nghệ cao đặc biệt nổi lên thời gian gần đây là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua huy động tài chính theo mô hình đa cấp, kinh doanh mua bán tiền ảo (Bitcoin, Onecoin...) và một số gói đầu tư tài chính với lãi suất cao (từ 1 - 2% ngày). Dù cơ quan chức năng, báo chí liên tục cảnh báo, nhưng do bọn tội phạm đánh vào lòng tham với khoản lợi nhuận hứa hẹn rất cao nên nhiều người vẫn sập bẫy. Thực chất, để tạo niềm tin trả lãi suất thật, bọn tội phạm lấy tiền thu được của người tham gia trước trả cho người tham gia sau, cho đến khi chúng đã “chuyển hóa” hết tiền huy động được thì tuyên bố mất khả năng chi trả, bỏ trốn… Riêng với tiền ảo, thường khi lôi kéo được hàng ngàn người tham gia, thu được số tiền lớn thì chúng đánh sập mạng (hầu hết các trang mạng đăng ký tên miền hoặc thuê máy chủ đặt ở nước ngoài), tiêu hủy chứng cứ, dẫn đến khó truy xét được đối tượng chủ mưu, cầm đầu...
Điển hình là vụ nhiều người tố cáo Công ty cổ phần Modern Tech (Q.1) lừa chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng của hàng chục ngàn người thông qua tiền ảo Ifan, Pincoin; vụ huy động tài chính bằng tiền ảo Bitcoin thông qua các website pimfund.com và id.artisanalbank.com (website giả mạo NH Artisan Bank) xảy ra tại Q.10 lừa hàng trăm người, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Mới đây nhất là chủ hợp tác xã Sky Mining (Q.Phú Nhuận) kêu gọi đầu tư hàng trăm tỉ đồng mua máy đào tiền ảo, sau đó tuyên bố đóng cửa và bỏ trốn ra nước ngoài...
Theo một điều tra viên của PC46, cơ quan này được giao nhiệm vụ tiếp nhận xử lý đơn thư tố cáo Công ty cổ phần Modern Tech (Q.1), hợp tác xã Sky Mining (Q.Phú Nhuận) lừa đảo chiếm đoạt hàng chục ngàn tỉ đồng. Đến nay, PC46 đã nhận gần 100 trường hợp tố cáo Modern Tech và 30 trường hợp tố cáo Sky Mining, kèm theo giấy tờ chứng minh. Tuy nhiên, các chứng cứ giao dịch đều thể hiện bằng tiền ảo, do nhóm kêu gọi và người tham gia tự quy ước với nhau... Về thực tế này, thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, cảnh báo: “Theo quy định hiện hành, tiền ảo chưa được công nhận là tài sản, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN nên cơ quan điều tra khó khăn trong việc xác định chính xác số tiền người tham gia bị thiệt hại để có cơ sở xử lý tội phạm. Hiện cơ quan công an đang khẩn trương điều tra và nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ kiên quyết xử lý nghiêm”.
Dấu hiệu nhận biết giao dịch lừa đảo khi bị hack email
Nhằm hỗ trợ khách hàng phòng ngừa rủi ro bị hack email trong giao dịch với đối tác nước ngoài, Vietcombank vừa phát đi cảnh báo, lưu ý một số dấu hiệu để khách hàng nhận biết giao dịch lừa đảo. Cụ thể: hợp đồng và các giao dịch liên quan đến thực hiện hợp đồng (thông báo giao hàng, hóa đơn đòi tiền, thương lượng...) đều thực hiện qua email; bên xuất khẩu, bên nhập khẩu không xác nhận giao dịch bằng các hình thức liên lạc khác; hacker hướng đến chủ yếu là DN vừa và nhỏ (vì có tính bảo mật, an toàn trong hệ thống quản trị mạng chưa cao, thiếu các quy định về an toàn khi sử dụng email). Ngoài ra, người thụ hưởng không phải bên xuất khẩu, thông tin thanh toán đột ngột thay đổi, địa chỉ quốc gia của người hưởng khác với địa chỉ quốc gia của NH hưởng...
|
Bình luận (0)