|
Trước kia cả nhà hay ăn sáng ở ngoài thì nay tôi chuẩn bị ở nhà. Tôi mua sẵn trứng và thực phẩm đóng gói như mì, nui, hủ tíu… mang nhãn riêng của siêu thị (cho rẻ hơn các hiệu khác). Bữa sáng của nhà tôi giờ là bánh mì trứng ốp la, mì gói thêm trứng hoặc tối hôm trước tôi nấu canh hầm xương với nước lèo dư một tí, hôm sau hâm lại, thêm nui, mì hoặc bánh canh… là có bữa sáng ngon lành, vệ sinh, lại rẻ (tuy hụt tí thời gian… ngủ nướng).
Một tô bún cho trẻ con gần nhà không dưới 20.000 đồng, người lớn gần 30.000 đồng. 100.000 đồng cho bữa sáng ở ngoài của một gia đình 4 người thật khó chấp nhận giữa thời buổi này.
Tôi thường đưa con đi nhà sách, siêu thị hoặc công viên chơi. Trước kia, khi con chơi xong, tôi hay đưa chúng đi ăn gà rán, kem hoặc pizza. Nhưng giờ đây, tôi đem theo nước lọc, nước chanh hoặc cam tự pha, bánh ngọt, rau câu (tự nấu) để bọn trẻ xoa dịu cái bao tử.
Các loại chai, lọ đựng nước chấm, dầu gội, sữa tắm… xài xong tôi đều giữ lại. Lâu lâu lôi bịch “ve chai” ra bán và chỉ cho con như một cách “kế hoạch nhỏ”, số tiền chỉ đủ mua cuốn truyện hay món đồ chơi nhỏ nhưng đủ khiến thằng bé sướng rơn.
Thấy tôi “chung thủy” với chiếc điện thoại cũ, bạn bè bảo tôi “keo”. Tôi không phật lòng bởi đôi khi họ không phân biệt được “tiết kiệm” với “keo kiệt”.
Con trai đôi khi so bì khi thấy bạn được cho tiền khi đi học. Tôi bảo con thích ăn gì thì tôi mua cho đem theo, tôi không muốn cho con xài tiền từ sớm khi con chưa phân biệt được cái gì nên hay không nên mua (tôi sợ không an toàn, vệ sinh) cũng như chưa biết cách xài tiền hợp lý. Với tôi, đó là cách dạy con sống căn bản, tiết kiệm từ nhỏ. Sách con học xong, tôi bọc lại để dành cho mấy đứa cháu.
Không chỉ giữa thời buổi khó khăn này, việc “tích cốc phòng cơ” đã được ông bà ta dạy con cháu mình từ xưa. Tôi rất tự hào về bản lĩnh của mình đã giúp tôi tự tin nói “không” với việc chạy theo trào lưu, đua đòi với người khác. Nếu tiết kiệm đúng cách, dù không thể tránh “bão” hoàn toàn nhưng chúng ta cũng đỡ bị ảnh hưởng nếu chẳng may bị “bão (giá) táp”!
Lê Thị Ngọc Vi *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhân viên công ty sản xuất hàng nội thất xuất khẩu tại TP.HCM
>> Vì sao TP.HCM luôn dẫn đầu tiết kiệm điện?
>> Ấp văn hóa tiết kiệm điện
>> Tiết kiệm điện từ mỗi gia đình ở Nam Định
Bình luận (0)