>> Làm gì để du lịch VN phát triển?
Đi massage, karaoke
Ông Hyungtaek Hugh Lim, Trưởng đại diện Phòng Du lịch và Văn hóa, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội, nhận xét: VN thiếu các điểm vui chơi giải trí vào ban đêm và rất ít các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật cố định giờ vào ban ngày. Các buổi diễn ít ỏi thì tẻ nhạt, vì không kết hợp được một cách hài hòa, sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại nên thiếu sức thu hút đối với du khách. Vì thế, thật khó khăn khi mỗi lần đón tiếp người quen từ Hàn Quốc qua VN do không biết đưa họ đi chơi nơi nào vào ban đêm. “Bên cạnh tham quan các di tích, đánh golf, thường thì chúng tôi dẫn họ đi massage, hát karaoke”, ông Lim tiết lộ. Ở Hàn Quốc, có 10 chương trình văn hóa nghệ thuật đặc trưng dành cho du khách nước ngoài, được tổ chức cố định giờ. Nổi bật có Nanta là một loại hài kịch biểu diễn trên các nhạc cụ làm từ dụng cụ nhà bếp, giá vé 20 - 30 USD/khách; chương trình Jump, hài kịch cách điệu từ môn võ truyền thống taekwondo; múa truyền thống kết hợp hiện đại Miso… Các chương trình diễn ra cả ngày lẫn đêm. “Cùng với việc ban ngày tham quan cố cung, di tích, thắng cảnh và ban đêm xem các chương trình biểu diễn, khách sẽ hiểu một cách toàn diện về Hàn Quốc mà không có một tài liệu nào thay thế được. Ngoài ra, các sàn nhảy, quán rượu, cà phê mở tới khuya; các trung tâm mua sắm mở cửa 24/24 giúp khách vui chơi thâu đêm suốt sáng. Nhờ đó, 9 triệu khách quốc tế mỗi năm đã mang về doanh thu cho du lịch Hàn Quốc 10 tỉ USD. Mức tiêu xài trung bình của khách ở Hàn Quốc khoảng 1.200 USD/khách/ ngày”, ông Lim chia sẻ.
Không có nhiều chương trình nghệ thuật dành cho khách nước ngoài - Ảnh: Ngọc Hải |
Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Malaysia tại VN, ông Mohd Akbal Setia, cũng cho rằng ở VN không có điểm vui chơi giải trí phù hợp với các đối tượng khách khác nhau. TP.HCM có nhiều sàn nhảy, nhưng muốn tìm những điểm giải trí biểu diễn nghệ thuật thì không có. Nên cân bằng giữa hai loại hình này. Du lịch Malaysia có nhiều chương trình nghệ thuật cho khách thưởng thức cả ngày lẫn đêm, ngoài ra hằng năm còn có các lễ hội văn hóa dành cho du khách, làm gia tăng giá trị cho ngành du lịch. Đối với VN, vì không tìm được chỗ giải trí nên ông thường giới thiệu người quen từ Malaysia qua là đi massage; còn phụ nữ thì đi mua sắm ở chợ Bến Thành.
Không biết đưa khách đi đâu “Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của địa phương đối với du khách là rất lớn. Nếu không đáp ứng, thiệt thòi cho du khách và cả ngành du lịch vì không tăng được doanh thu. Ở TP.HCM, gần đây có múa rối Rồng vàng vào ban đêm, ngoài ra không biết đưa khách đi đâu để giải trí, vui chơi” - Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Hữu Đoàn |
Nhàm chán
Ông Nguyễn Minh Quyền, Giám đốc Bến Thành Tourist, thừa nhận du lịch VN thiếu trầm trọng sản phẩm giải trí vào ban đêm. “Thật ra, không khó để làm các chương trình nghệ thuật như các nước đã làm. Ví dụ, chúng ta có thể xây dựng chương trình tạp kỹ dân ca 3 miền, kết hợp nhạc cụ truyền thống là đã có thể hấp dẫn được khách”, ông Quyền nói. Theo ông Quyền, Bến Thành Tourist từng phối hợp với Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) tổ chức chương trình tạp kỹ định kỳ, nhưng không duy trì được lâu vì thiếu hỗ trợ kinh phí. Thành ra, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật bản địa của khách nước ngoài, nếu đoàn đông khách, trong các bữa ăn tối, công ty kết hợp tổ chức các tiết mục văn nghệ. Còn sau bữa tối, khách thường về ngủ, ngồi vỉa hè uống bia hoặc vào quầy bar trong khách sạn giải trí.
Theo ông Hyungtaek Hugh Lim, VN có nền văn hóa đặc sắc, đó là cơ sở và tiềm năng lớn để tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Thế nhưng, các khách sạn lớn, resort đẹp tại Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… đều thiếu trầm trọng các khu vui chơi, giải trí vào ban đêm. Cho nên, khách thấy nhàm chán ở những nơi này. Ông Lim cho rằng để VN có nhiều điểm vui chơi giải trí hơn cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào. Ở Hàn Quốc, hầu hết các chương trình biểu diễn cho du khách đều do tư nhân tổ chức. Ở Malaysia, các chương trình cũng được diễn ra dưới sự phối hợp giữa nhà nước và tư nhân.
Ông Nguyễn Minh Quyền nhận xét ngành du lịch mấy năm qua đã nhập chung với ngành văn hóa (Bộ VH-TT-DL) nhưng chưa khai thác được thế mạnh của sự kết hợp này. “Dĩ nhiên, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải có trách nhiệm trong việc thiếu sản phẩm giải trí. Nhưng nỗ lực của các doanh nghiệp cũng có giới hạn, do đó cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là kinh phí. Để nuôi sống một chương trình không đơn giản, cần phải có kinh phí ban đầu nhằm duy trì biểu diễn định kỳ, quảng bá tới hãng lữ hành, đến lúc có lợi nhuận sẽ tự lực. Các doanh nghiệp du lịch cũng sẵn sàng đưa chương trình biểu diễn vào tour. Sở dĩ Thái Lan làm được nhiều chương trình là do họ có sự thống nhất chung giữa các ngành quản lý, có hỗ trợ, có chủ trương, chiến lược và hành động" - ông Quyền nói.
Học hỏi Thái Lan “Ở Thái Lan có hai chương trình biểu diễn chính mà bất cứ tour nào cũng có và bất cứ du khách nào đến đây cũng xem, là chương trình Siam Niramit ở Bangkok và Phuket Fantasea. Sân khấu mỗi nơi có sức 2.000 người. Trước khi triển khai chương trình biểu diễn nào mới, công ty tổ chức luôn phải làm việc với Tổng cục Du lịch Thái Lan để cơ quan này xem hợp lý hay không nhằm tránh trùng lặp nội dung và hỗ trợ quảng bá đến hãng lữ hành quốc tế. Các buổi diễn này sẵn sàng miễn phí thời gian đầu cho du khách để lôi kéo họ tới xem" - Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM |
N.Trần Tâm
Bình luận (0)