Nghe bạn nói, rồi nhìn vào ngay quê mình, thấy đúng là khu dân cư mọc lên “như nấm sau mưa” thật. Nhu cầu đất ở nhà ở là nhu cầu có thật trên toàn quốc, nhưng mật độ phân phối không đều. Ở những thành phố, những đô thị lớn, nhu cầu ấy rất cao.
Còn ở những vùng nông thôn, những nơi chưa có khu công nghiệp chưa có những vùng tập trung dân đông đúc, thì nhu cầu chắc chắn chưa cao. Nhưng khổ cái, bây giờ các nhà đầu tư địa ốc, nhất là những “ngôi sao mới nổi” rất khó chen chân vào những “bờ xôi ruộng mật về đất ở”, nên họ tản về các vùng nông thôn, nơi ấy đất ruộng còn nhiều, dù nhu cầu đất ở hay nhà ở chưa cao, nhưng mình cứ “xin dự án” rồi tùy tình hình thực tế mà xoay xở, khi đã có “cầu” thì cái “cung” của mình sẽ chìa ra ngay. Nghĩ là làm, họ bèn chạy xin dự án. Khát vọng của họ lại trùng khớp với khát vọng của một số quan chức, kể cả quan chức hàng huyện và hàng tỉnh, nên những dự án liên tục được ký cho khảo sát, cho ra đời.
Vì vậy, khi nhiệm kỳ mới của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bắt tay vào làm việc, thì ngày 15.12.2020, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho hay đến nay địa phương đã cấp chủ trương đầu tư cho 103 dự án (tương đương 44.800 lô đất); cấp chấp thuận cho 247 dự án khu dân cư, khu đô thị (tương đương hơn 4.678 ha đất) cho các nhà đầu tư.
Những dự án này đã được “ký chấp thuận” nhưng chưa triển khai, và trở thành một gánh nặng cho ban lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ mới.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết sẽ rà soát 247 dự án khu dân cư đã được cấp chủ trương khảo sát đầu tư theo chỉ đạo trước đó. trong số 247 dự án nêu trên, có 178 dự án do Chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ trước) ra văn bản cho phép nghiên cứu, khảo sát; 8 dự án do Văn phòng UBND tỉnh ban hành và chuyển. Số còn lại do chính quyền địa phương các huyện, thị xã và thành phố lập hồ sơ đề xuất là 38 dự án; Ban quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh đề xuất là 23 dự án.
Cứ nghĩ xem, 247 dự án khu dân cư ở một tỉnh đất đai không quá rộng và dân số chưa tới mức “quá tải” như Quảng Ngãi, thì các nhà đầu tư biết làm gì cho hết ? Vì thế, chuyện dự án treo, chuyện nợ xấu ngân hàng cũng từ đó mà nảy nòi, nếu không sớm giải quyết, thì “khát vọng khu dân cư” có khi trở thành tai họa. Nhất là trong thời kỳ Covid-19, lại sau mùa bão lũ khốc liệt này, dù chúng ta có lạc quan cách mấy, thì thực tế kinh tế vẫn phát triển rất khó khăn. Nhu cầu nhà ở, vì vậy, cũng không thể “nóng” khi thu nhập của người dân còn thấp, và những “nhà kinh doanh địa ốc” mua để bao tiêu sản phẩm còn rất dè dặt, vì mua thì dễ mà bán thì khó.
Vì thế, nhận định của Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi: Dự án khu đô thị tràn lan là bất thường, là nhận định đúng với thực tế. Chỉ có điều, bây giờ phải xử lý thế nào với mấy trăm dự án” bất thường” này, dù còn trên giấy, và cả những dự án “treo” tới 22 năm vẫn chưa giải quyết xong ?
Giải pháp thu hồi là giải pháp bắt buộc phải làm, dù nó rất đụng chạm tới các nhà đầu tư đã nhận được giấy phép triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư sẽ lỗ ngay khi chưa hề triển khai dự án, cũng bởi cái “khát vọng khu dân cư” này, luôn được tính từ cả hai phía.
Dân gian có câu: “Anh đi trước vung tay quá tóc/Em đi sau chỉ còn biết khóc” là một thực tế, cũng như “lạm phát khu dân cư” là một thực tế.
Bình luận (0)