Ngay trong đêm nhận thông tin từ Đắk Lắk về nghi vấn có người “bỏ trốn khỏi khu cách ly” sau khi tiếp xúc gần với 2 du khách Anh nhiễm Covid-19, trên đường từ Đà Nẵng về quê đã rời khỏi xe..., các PV Thanh Niên ở Đà Nẵng, Quảng Nam khẩn trương kết nối, xác minh. Nhưng thông tin quá “mờ”, đành tạm ngưng. Ngày hôm sau, khi tiếp cận báo cáo nhanh từ một huyện ở Đắk Lắk, trong đó tái khẳng định cô gái 26 tuổi làm việc ở sân golf là người “bỏ trốn”, PV Thanh Niên lại vào cuộc kiểm chứng.
Kết quả thật bất ngờ khi ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, khẳng định không hề có chuyện chị ấy “bỏ trốn”, thậm chí đã rất hợp tác. Chị xuống xe để… quay lại cách ly, giờ vẫn đang cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Nhưng không phải vụ “né” cách ly nào cũng kết thúc có hậu như vậy.
Hôm qua 11.3, Công văn số 232/BVC-KHTH của Bệnh viện C gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng báo về vụ bệnh nhân 39 tuổi ở Q.Sơn Trà không đồng ý vào khu vực cách ly rồi “tự ý bỏ về” bất ngờ xuất "xuất hiện" (Công văn ký ngày 9.3) đã khiến nhiều người quan tâm. Rất may, địa phương đã kịp truy tìm địa chỉ và vận động, yêu cầu chị cùng 5 người trong gia đình tự cách ly tại nhà. Chị này được xác định thuộc diện tiếp xúc F2 sau khi dự hội thảo tại khách sạn có 2 du khách Anh dương tính SARS-CoV-2 lưu trú. Hai ngày trước đó, thêm chuyện đình đám của ông chủ tịch HĐQT một công ty có dự án năng lượng ở Quảng Trị “đánh tráo cách ly” và sau đó buộc phải đánh tiếng xin lỗi.
Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngay từ đầu mùa dịch không chỉ dừng ở chủ trương lớn, như đưa công dân Việt Nam về nước, khai báo y tế toàn dân, kiểm soát du khách... Mà ngay ở mỗi cá nhân, rất cần những biểu hiện đồng bộ, từ chuyện giữ vệ sinh nơi công cộng, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly...
Trong giai đoạn dịch đang diễn biến xấu, mỗi một hành vi bất cẩn, vị kỷ, thiếu trách nhiệm đều như que diêm giấu ngọn lửa bên trong. Lúc này, rất muốn nghe lại phương châm “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” của những người lính ngự lâm trong tác phẩm của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (cha). Chuyện từ giữa đầu thế kỷ 17, nhưng sang đến đầu thế kỷ 21 vẫn còn nguyên tính thời sự.
Bình luận (0)