Góc nhìn phóng viên: Đừng để rừng cứ mãi 'bị dọn'

16/11/2019 05:00 GMT+7

Câu chuyện mất rừng ở Lâm Đồng dường như cứ được nghe ra rả khắp nơi, từ dưới các địa phương cho đến các bàn hội nghị, hội thảo cấp tỉnh.

Nhiều năm qua, số vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp luôn lên đến con số hàng trăm mỗi năm và số diện tích rừng, đất rừng bị mất, bị lấn chiếm cũng lên con số tương tự.
Điều đáng nói, việc phá rừng bây giờ không đơn thuần chỉ để lấy gỗ, mà chính hơn là nhằm để chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Vì muốn có đất sản xuất, người ta đã thẳng tay “cạo trọc” cả một khu rừng hay một quả đồi không thương tiếc.
Đáng trách hơn - và cũng khó có lý do nào để giải thích hay hơn - vì sao người ta phá rừng lấn chiếm đất mà cơ quan chức năng, chủ rừng lại không hay biết.
Bởi với phá rừng lấy gỗ, lâm tặc thường thực hiện trong thời gian chớp nhoáng, 1 buổi, 1 ngày, lâu hơn thì vài ngày nên cơ quan chức năng không kịp phát hiện; đằng này phá rừng làm rẫy, rõ ràng thời gian kéo dài phải đến cả tháng, cả năm và cây trồng cứ đứng sừng sững ra đó ngày này qua tháng nọ mà chủ rừng không biết.
Thậm chí có vụ phá rừng gần trụ sở chính quyền, hay trạm quản lý bảo vệ rừng chỉ vài ki lô mét, đường đi thuận lợi, thậm chí là độc đạo - phải đi ngang qua trạm mới đến vị trí phá rừng nhưng đơn vị chủ rừng không kịp phát hiện, ngăn chặn. Chưa nói đến việc có tiếp tay hay không, điều này cho thấy chủ rừng quá thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.
Dư luận đang chờ, liệu có lãnh đạo nào từ cấp huyện trở lên bị kỷ luật hay không, hay cũng chỉ là một vài lãnh đạo cấp xã? Nếu như xử lý trách nhiệm không được thực hiện quyết liệt, thì câu chuyện mất rừng khó có thể ngăn chặn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.