Cảm ơn những anh hùng liệt sĩ!

Ngày 27.7 hằng năm - ngày tri ân lại về, đây là dịp để những người còn sống, đang sống và được sống trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này dâng nén nhang thơm ngát, lẵng hoa tươi thắm đến vong linh những anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt ta là thế, truyền thống ấy như cái mỏ neo níu giữ những giá trị không thể đong đếm bằng vật chất.
Đất nước hòa bình thống nhất đã hơn bốn thập kỷ nhưng vẫn còn đó những mất mát đau thương hằn in lên đôi mắt người mẹ. Có nhà thơ đã ví von rằng vết chân chim trên khuôn mặt bà mẹ Việt Nam anh hùng như những giao thông hào của thời gian.
Chúng tôi về Quảng Trị vào một ngày đầu tháng 7, cái hăng hắc của gió Lào rát bỏng sau khi đã trút hết hơi nước ở bên kia dãy Trường Sơn cứ phần phật suốt ngày đêm như muốn thử thách gan dạ con người. Từ thành phố Đông Hà thêm khoảng 40 phút đồng hồ đi xe, từ trục Quốc lộ 1A men theo những cung đường quanh co qua xóm làng, đồng ruộng điểm đến là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nổi tiếng khắp cả nước.
Trên những triền dốc nho nhỏ, bóng rừng thông nghiêng mình phủ lên những nấm mồ thẳng tắp, cái có tên, năm sinh, quê quán, cái chưa xác định được tên tuổi…các anh đã quy tập về đây sau khi oanh liệt ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị. Đó là cầu Hiền Lương, sông Bến Hải - vĩ tuyến 17, địa đạo Vịnh Mốc, là 81 ngày đêm Thành cổ, Ba Lòng, Khe Sanh ác liệt trong mùa hè đỏ lửa…
Dâng nén hương thơm mà khóe mắt cay cay, cắm xuống mộ phần nhỏ xinh của các anh mà lòng bùi ngùi thương xót, những ngày này các anh có thêm nhiều hoa tươi, nến sáng, từng đoàn người tấp nập viếng thăm nhưng làm sao bù đắp được tuổi xuân các anh đã hiến dâng cho đất nước này!
Chính mảnh đất khắc nghiệt này là nơi an nghỉ của hơn 20.000 anh hùng liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc, chưa kể tỉnh Quảng Trị còn hơn 70 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, phường khác. Trong số ấy, có những con người mãi mãi “vô danh” trên bia mộ, có lẽ tên anh đã hòa với hai từ Tổ quốc thiêng liêng!
Cảm ơn những ngày này để những người sống trong nền hòa bình độc lập kín cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, để mỗi chúng ta tự soi rọi lại chính mình, để thế hệ trẻ tự hào về sự nghiệp của cha ông, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng xây dựng quê hương đất nước.
Bởi thế, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết trong ca khúc bất hủ “Mùa xuân”. Có đi qua những ngày mưa mới biết trân quý giá trị của ngày nắng, có kinh qua đau thương mất mát của chiến tranh mới biết quý trọng giây phút hòa bình.
Sự hy sinh không thể tả xiết ấy nhắc nhở cho hậu thế phải tiếp bước tiền nhân bảo vệ non sông nước Việt khỏi các thế lực ngoại bang, để không hỗ thẹn với vong linh các anh hùng liệt sĩ. Như chủ tich Hồ Chí Minh nhắn nhủ “Các vua Hùng đã có công dự nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Những chiến binh còn sống dẫu mang trong mình những mảnh đạn, mảnh bom nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác mà vẫn hừng hực khí thế góp công sức xây dựng quê hương.
Rất nhiều trong số đó đã trở thành những tấm gương thương binh sản xuất giỏi, anh hùng lao động trong thời kỳ mới như Đoàn Văn Khanh ở Tiền Giang, Võ Văn Đặng ở Cà Mau, Nguyễn Văn Tuyên ở Quảng Nam, Dương Văn Sâm ở Bắc Kạn, Hoàng Văn Nam, Phan Văn Phúc ở Quảng Trị…
Thiết nghĩ, đất nước có ngày hôm nay, mỗi chúng ta được sống trong môi trường thái bình thịnh trị là nhờ sự đánh đổi bằng xương bằng máu của các anh hùng liệt sĩ để lấy từng tấc đất cho Tổ quốc. Thử hỏi từ Lũng Cú -Hà Giang cho đến đất Mũi Cà Mau nơi nào không có xương có máu của cha ông đã đổ xuống?
Có những ngày này để chúng ta biết trân quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc đó là lòng yêu nước, tinh thần bất khuất trước bất cứ thế lực hùng mạnh bành trướng nào, là dịp thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân để hun đúc tổng hợp thành sức mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.