Cấp trên tặng quà cho cấp dưới

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
01/01/2019 10:05 GMT+7

Nghe ra, ai cũng thấy lạ đời, nhưng thật ra mà nói, đến khi nào cấp trên tặng quà cho cấp dưới thì mới cấm được chuyện lễ tết lại 'nô nức' đi tặng quà cho... cấp trên.

Mới rồi, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký chỉ thị yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, không được tổ chức các đoàn đi thăm, chúc tết lãnh đạo các cấp; thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.
Ngày 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Thanh Niên: “Tôi yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương quán triệt tới cán bộ mình là tập trung chăm lo tết cho người dân, chứ đừng lo đi biếu xén cấp trên”.
Năm ngoái, Thủ tướng cũng có chỉ đạo nghiêm cấm các bộ, ngành, địa phương về Hà Nội chúc tết, lãnh đạo không được nhận quà tết. Năm nay, ông không dùng từ tặng quà nữa mà dùng từ biếu xén.
Thủ tướng vẫn tiếp tục chỉ đạo, có thể suy luận, việc biếu xén vẫn chưa chấm dứt.
Gần tết năm ngoái, tranh luận với một người bạn làm ở cấp “không được nhận quà tết”, người viết bài này cho rằng, cứ để sau tết, kiểm tra tổng thể, cán bộ tỉnh thành nào đi Hà Nội dịp đó thì xuất toán vé máy bay. Người “không được nhận quà tết” cả cười: “Ông thật ngây ngô. Thứ nhất, vé máy bay đã có doanh nghiệp đi cùng mua. Có đâu để ông xuất toán? Thứ hai, gần kề dịp đó, các cơ quan bên trên lại triệu tập họp khẩn bàn công việc. Lúc đó một công đôi việc luôn”. Đúng là tôi ngây ngô thật.
Dân gian có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” bao hàm cả ý nghĩa, công việc gì thì cũng phải có “miếng trầu”. Chuyện tặng quà tết từ xưa đã có trong câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Nhưng chuyện “tết” cho các đối tượng này thì rất mức trong sáng, đầy tính nhân văn và đáng khuyến khích. Chuyện “tết” bây giờ đã khác.
Biết là tiêu cực đó nhưng để chống nó thì vô cùng nan giải.
Nhân đây xin kể câu chuyện của chính mình. Từ khi đi làm đến khi nghỉ hưu, làm việc dưới quyền nhiều lãnh đạo cơ quan, tôi chưa từng tặng quà cho sếp, những người mà đúng ra, tôi phải mang ơn. 
Mỗi lần vào TP.HCM họp, các sếp đều cho tôi chai rượu hoặc gửi cho vợ con tôi món quà gì đó. Chuyện này anh em cơ quan chứng kiến nhiều lần.
Cá nhân tôi có học được từ các sếp nên sau này, thỉnh thoảng cũng cho anh em chút ít. Tôi nói cho, cầm đi, vì lương tao cao hơn mày nhiều lần, chứ cũng không tặng hay mỹ từ gì gì cả.
Kể chuyện thực tế ở cơ quan, nơi mình trải nghiệm nhiều năm, để quay trở lại chuyện tặng quà và cấm nhận quà. Đến bao giờ cả hệ thống chúng ta thay đổi cách nghĩ, một cơ quan, một hệ thống các cấp quản lý, nếu nhận thức , mình làm tốt công việc được giao là nhờ cấp dưới, bao gồm cả nhân viên không có chức vụ, lúc đó, cấp trên tặng quà cho cấp dưới, những người xuất sắc, lúc đó mới triệt được việc biếu xén như Thủ tướng nói. Nếu không thì cuộc chiến này xem ra gian nan lắm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chăm lo tết cho người dân; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, xây dựng kế hoạch, tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là xuất phát từ tinh thần đó.
Mấy năm trước, một lãnh đạo TP Đà Nẵng ví von, hiện cán bộ đang làm việc theo “tinh thần cá heo”, ném một con mồi vào miệng thì nó mới nhảy múa, hết mồi nó lại nằm im, muốn nó nhảy múa thì phải ném con mồi khác... Và xem ra, "tinh thần cá heo” vẫn chưa mấy thay đổi. Biếu xén trở thành căn bệnh trầm kha. Vào cấp cứu mà phải đưa phong bì mới... cấp cứu, nếu không thì cứ rề rà thủ tục là đỉnh điểm của căn bệnh này.
Phải thay đổi cách nghĩ, không phải ta “sáng tạo” ra, mà đó là cách nghĩ của người nước ngoài, làm tốt thì tuần này được tăng lương, tuần này, tức là ngay và luôn (không chờ viết báo cáo thành tích, ra hội đồng xét duyệt...). Đó là cách cấp trên tặng quà cho cấp dưới. Và chỉ khi nghĩ được như thế, mới hết trò biếu xén.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.