Bảo hiểm xã hội

08/05/2018 04:58 GMT+7

Chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề cần cải tổ mà Hội nghị T.Ư 7 lần này sẽ bàn tới.

Theo thống kê, hiện có khoảng 17 - 18 triệu người có quan hệ lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng trong hệ thống bảo hiểm mới có 14 triệu ngườitham gia, tức còn 3 - 4 triệu người đang tránh né. Thứ hai, những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) rồi vẫn có tình trạng trốn đóng, tức là khai báo ít lao động đi, khai báo thâm hụt thu nhập để đóng mức thấp hơn. Thứ ba là chủ sử dụng lao động (SDLĐ) dù đã thu tiền của người lao động (NLĐ), nhưng bỏ trốn, dẫn đến quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo.

Thiết kế hệ thống cũng có vấn đề. Có thể thấy, số người ở độ tuổi lao động hiện nay có khoảng 45 triệu người, nhưng còn tới hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia bảo hiểm. Chúng ta có chính sách BHXH tự nguyện, nhưng mức hỗ trợ của nhà nước còn thấp, nên không đi vào cuộc sống. Đặc biệt, theo chính sách hiện nay, người già trên 80 tuổi nếu không có thu nhập nào khác thì ngân sách nhà nước đang hỗ trợ 270.000 đồng/tháng cộng với bảo hiểm y tế. Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi trên dưới 6.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách này và con số sẽ còn tăng lên, vì VN đang già hóa dân số rất nhanh.
Gánh nặng ngân sách cho phúc lợi xã hội phải được giảm bằng các chính sách phù hợp. Phải có chính sách BHXH đa tầng, ít nhất là 3 tầng, trong đó tầng 1 là lương hưu xã hội để phủ trên diện rộng, có sự đóng góp của NLĐ và hỗ trợ của ngân sách nhà nước để đảm bảo mọi người dân sẽ có thu nhập bằng lương hưu; tầng thứ 2 là lương hưu như hiện nay, nhưng phải đảm bảo đóng đủ theo thu nhập để người nhận có mức lương hưu cao hơn; và tầng 3 là lương hưu bổ sung thực hiện theo bắt buộc.
Chúng ta cũng cần từng bước tính tới chuyện nâng tuổi nghỉ hưu, vì chính sách tuổi hưu hiện nay được thiết kế từ năm 1960, khi tuổi thọ bình quân còn thấp. Sau gần 60 năm, rất nhiều thứ đã thay đổi, kinh tế - xã hội phát triển, tuổi thọ tăng cao, nên cần từng bước nâng tuổi nghỉ hưu lên để tận dụng được lực lượng lao động còn sức khỏe, còn trí tuệ và giàu kinh nghiệm. Cũng có người cho rằng người già không về hưu thì người trẻ lấy đâu ra việc làm? Quan điểm này cần phải thay đổi, vì những người ở lại sẽ làm những công việc phù hợp với tuổi tác, thậm chí có người sẽ tạo nhiều việc làm hơn cho xã hội.
Số năm tham gia bảo hiểm để được hưởng lương hưu cũng nên thay đổi theo hướng rút ngắn hơn, có thể là 15 năm như thông lệ thế giới, thay vì 20 như hiện nay, để người dân thấy việc nhận lương hưu không phải là tương lai quá xa vời.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm cũng nên thay đổi, theo hướng cân bằng dần tỷ lệ đóng của NLĐ và người SDLĐ, chứ không chênh lệch quá lớn như hiện nay, khi người SDLĐ phải đóng vào quỹ BHXH và quỹ bảo hiểm thất nghiệp lên đến 18,5%, NLĐ mới đóng góp 9%. Điều này sẽ mang lại tác dụng hai mặt, đóng góp của NLĐ cao lên thì họ sẽ hưởng lương cao, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho chủ SDLĐ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.