Trách nhiệm tham mưu chính sách

Anh Vũ
Anh Vũ
06/05/2018 08:27 GMT+7

Có vấn đề về năng lực, không chế tài, không ràng buộc trách nhiệm khi tham mưu… là một số trong những nguyên nhân khiến một loạt chính sách “dở khóc dở cười” vừa qua “đẻ” ra sòn sòn như: ngực lép không được lái xe, xử phạt ô tô không có bình cứu hỏa, cấm quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông; hay mới nhất là đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính.

Tại buổi tiếp xúc cử tri TP.Cần Thơ mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ý tưởng đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng mới chỉ là của một vài chuyên viên Bộ Tài chính, chứ Chính phủ cũng chưa có ý kiến và “Quốc hội không bao giờ phê chuẩn ý kiến kiểu như thế”.
Ý tưởng, suy nghĩ ban đầu của cán bộ tham mưu chính sách là những kiến nghị, đề xuất đối với cấp trên. Ở bộ, thuộc các cấp vụ, phòng; cao hơn, ở Chính phủ thuộc cấp bộ, cơ quan ngang bộ... Những kế sách này tạo ra thiết chế điều chỉnh và tác động tới mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Một chính sách sai có thể gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tạo ra hệ lụy khôn lường, khó có thể đong đếm. Song, thật đáng ngạc nhiên, từ trước tới nay, rất nhiều quyết định, thông tư ra đời rồi "chết" yểu, đi ngược lại thực tế, không khả thi, gây bức xúc trong dân... nhưng hiếm khi thấy ai bị khiển trách, hay xử lý.
Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng như giọt nước tràn ly. Trước đó, người dân cũng “sốc” nặng khi Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn người lái tàu nam giới phải khám cơ quan sinh dục, nữ giới phải có vòng ngực trên 75 cm. Chính sách này khiến một cán bộ về hưu của Bộ GTVT cho biết ông đã cười suốt 2 ngày mà không thể nhịn nổi mỗi khi nghĩ về sự ngây ngô của nó. Cũng chính Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 57 xử phạt ô tô không có bình cứu hỏa. Hay Hà Nội từng ban hành quy chế công chức thủ đô tổ chức tiệc cưới không quá 50 mâm...
Tham mưu chính sách sai có thể do năng lực yếu kém, hoặc lợi ích nhóm... Chính vì vậy, Campuchia quy định, cán bộ công chức khi tham mưu chính sách phải ký vào cam kết 7 điểm. Chính sách có chất lượng hay không, có thực tế và đi được vào cuộc sống, có đảm bảo quyền lợi của người bị tác động; đã lắng nghe toàn bộ ý kiến chuyên gia chưa... Vì họ cho rằng, phải có tính ràng buộc trách nhiệm cao đi cùng với cán bộ giỏi mới tạo ra được các chính sách hiệu quả.
Singapore hay các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản không cần phải ký ràng buộc trách nhiệm với người tham mưu chính sách bởi họ đã vượt qua được giai đoạn sơ khai này. Với bất cứ văn bản, quyết định nào sai thường người đứng đầu sẽ phải từ chức trước sức ép của dư luận. Tuy nhiên, đối với VN, để đạt được đến thiết chế mang tính văn hóa - chính trị đó thì trước hết cần phải có sự ràng buộc, chế tài rõ ràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.