Ta tự hại mình

05/05/2018 06:13 GMT+7

Nhìn vào con số thống kê và dạo một vòng qua các siêu thị sẽ thấy, thịt nhập khẩu các loại ngày càng trở nên quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình.

Ban đầu chúng ta nhập thịt vì chăn nuôi trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là đối với thịt bò, gà.
Nhưng càng ngày, lượng thịt nhập càng tăng. Năm 2017, chúng ta đã chi hơn nửa tỉ USD nhập khẩu thịt các loại. Đáng nói là ngay cả thời điểm trong nước thịt heo, gà mất giá, ế ẩm thì lượng thịt nhập vẫn tăng. Những tháng đầu năm 2018, câu chuyện thịt nhập giá rẻ gây sức ép cho ngành chăn nuôi trong nước lại được đặt ra.
Vấn đề không còn là trong nước thiếu thịt mà là nhiều gia đình chuyển sang sử dụng thịt nhập khẩu vì lo sợ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với thịt nội. Mới hôm qua ở Đồng Nai, Đội kiểm tra liên ngành vệ sinh thú y và kiểm dịch động vật H.Thống Nhất đã bắt quả tang 2 cơ sở giết mổ heo lậu. Trước đó một ngày, đoàn kiểm tra liên ngành số 2, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP.HCM phát hiện xe chở 46 con heo hướng từ Đồng Nai về TP.HCM có biểu hiện lâm sàng nghi sử dụng thuốc an thần và bơm nước vào đường tiêu hóa. Đáng nói, số heo này có đầy đủ giấy kiểm dịch do Chi cục Chăn nuôi thú y Bà Rịa-Vũng Tàu cấp và vòng truy xuất nguồn gốc do Sở Công thương TP.HCM cấp.
Chỉ có điều, cả 2 giấy "thông hành" đều không phải cho lô hàng này. Thậm chí, vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc đã được kích hoạt từ ngày 8.4 nhưng đến ngày 2.5 vẫn còn sử dụng. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, thiếu phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc quản lý thực phẩm.
Theo quy trình, người chăn nuôi heo phải đeo vòng và kích hoạt (khai báo) thông tin về trang trại của mình. Còn ở trường hợp nói trên, giấy chứng nhận kiểm dịch được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp nhưng vòng truy xuất nguồn gốc lại ở... Đồng Nai. Kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" cho thấy, các chủ hàng đang dùng một giấy kiểm dịch cho nhiều lô hàng, ở nhiều nơi khác nhau. Tương tự, theo quy trình, heo từ trang trại sau khi được kích hoạt thông tin bán cho thương lái rồi đưa lên xe. Xe này phải được ngành thú y niêm phong và thương lái phải kích hoạt thông tin của mình. Khi vận chuyển đến lò mổ sẽ được ngành thú y ở lò mổ giám sát, kiểm tra thông tin. Việc này để đảm bảo không phát sinh tiêu cực. Việc vòng truy xuất được kích hoạt cả tháng vẫn sử dụng ở trường hợp nói trên cho thấy, vòng truy xuất đã được sử dụng nhiều lần.
Lý do giấy kiểm dịch và vòng truy xuất nguồn gốc được chủ hàng sử dụng nhiều lần, cho nhiều lô hàng khác nhau vì kiểm tra, quản lý quá lỏng lẻo. Chuyện này chẳng phải tới giờ mới có. Ngay từ khi vừa mới áp dụng việc đeo vòng truy xuất cho heo đã có tình trạng thương lái mua hộ, đeo giùm ở nhiều trang trại.
Chưa bao giờ chuyện thịt heo, trái cây, rau quả ngoại lại được đặt lên bàn nghị sự nhiều như mấy năm gần đây. Nhưng với cách làm ăn, quản lý thế này thì chính ta đã tự làm hại mình và đất sống cho thịt ngoại, rau quả ngoại ngày càng rộng mở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.