Cơ chế đặc thù

20/06/2020 11:00 GMT+7

Như vậy là sau TP.HCM, hôm qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính , ngân sách đặc thù đối với Hà Nội và Đà Nẵng.

Đọc các nghị quyết thì thấy, ngoại trừ cơ chế thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho Đà Nẵng, các cơ chế tài chính, ngân sách “đặc thù” cho cả 3 thành phố này giống hệt nhau.
Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cần có “cơ chế đặc thù” để phát triển, điều đó đúng, kiểu như đầu tàu mà chậm thì các toa đi sau cũng sẽ chậm theo. Thủ đô và các thành phố trọng điểm vùng như TP.HCM, Đà Nẵng phát triển năng động sẽ giúp cho các khu vực, vùng kinh tế phát triển.
Nhưng “cơ chế đặc thù” có phải chỉ nằm ở tăng tỷ lệ thu thuế, phí, ở tỷ lệ nguồn thu để lại cho địa phương vượt quá quy định của luật Ngân sách... hay không thì phải cần có thêm thời gian để đánh giá. Song chắc chắn rằng điều đầu tiên, quan trọng nhất để một thành phố (Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng) cần để có thể vươn mình, trở thành đầu tàu kinh tế không chỉ nằm ở cơ chế đặc thù về tài chính, các thủ tục phê duyệt dự án, thủ tục đầu tư, thủ tục khai sinh, hoạt động doanh nghiệp đang là những lực cản lớn nhất, níu kéo sự phát triển kinh tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng hành chính công và dịch vụ công mới đang là vấn đề “cơ chế đặc thù” hơn cả của các địa phương. Xin được cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách, nhưng nếu không có đột phá về hành chính công, dịch vụ công để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khai phóng thì cũng không mang lại nhiều lợi ích.
Từ bài học áp dụng cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã phê chuẩn cho TP.HCM năm 2017 và Nghị quyết mà Quốc hội vừa thông qua, thiết nghĩ Hà Nội và Đà Nẵng cần phải đánh giá chi tiết, cơ chế đặc thù sẽ mang lại cho các thành phố nguồn lực thế nào? Các thành phố sẽ nhận được bao nhiêu ngàn tỉ từ cơ chế đó? Để từ đó xác định rõ sẽ dùng ngân sách được giữ lại để làm gì? Những mục tiêu chung chung như đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công hay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội không phải là giải trình thuyết phục người dân, khi từng đồng ngân sách đều thuộc về quyền sở hữu của họ.
Sẽ dễ hình dung hơn, khi các lời khẳng định được đánh giá trên mức sống, mức thu nhập tương lai của người dân.
Và cuối cùng, Hà Nội, Đà Nẵng (và trước đó là TP.HCM) kéo các “toa tàu” khác như thế nào; sức lan tỏa từ việc tăng GDP cho các địa phương tới các vùng kinh tế khác cũng cần phải làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.