Một bài học đắt giá về việc buông lỏng quản lý cộng với thiếu đối thoại với người dân đã đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm, được kết thúc bằng một cách cũng rất thiếu đối thoại, khi buổi công bố chỉ có sự xuất hiện của “báo nhà” ngành thanh tra và TP.Hà Nội.
Các báo khác “trăm phương nghìn kế” cũng không có cách nào lọt qua được cánh cổng ủy ban, nên những gì công chúng đọc được về buổi công bố kết luận này là từ công sức “lách” qua không biết bao nhiêu cái cửa ngách của cánh phóng viên.
tin liên quan
Người dân Đồng Tâm vẫn được bồi thường, hỗ trợThời buổi đề cao “công khai, minh bạch” này (chẳng phải lãnh đạo Đảng, Chính phủ đi đâu cũng nhắc nhở đó sao), sao mà lại khổ đến thế?
Có một sự thật thế này, phần lớn những kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán mà độc giả đọc được trên mặt báo không đến từ sự công bố của cơ quan chức năng, mà từ tài năng “moi móc” của phóng viên.
Sự có vẻ hơi ngược đời. Kết quả thanh tra, kiểm toán chẳng phải là uy tín, danh dự của ngành đó hay sao; chẳng phải là một lần họ báo cáo trước quốc dân đồng bào về việc thuế các ông các bà đóng để nuôi tôi đem lại cái gì sao? Thế thì sao họ lại giấu, lại “công khai có chọn lọc” như thế?
Mức độ công khai, minh bạch của các “cơ quan giám sát sự công khai, minh bạch” như thanh tra, kiểm toán là bao nhiêu? Năm 2018, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; Kiểm toán Nhà nước tiến hành 253 cuộc kiểm toán; nhưng kết quả người dân được tiếp cận không chắc được 1/1.000. Thậm chí, cả đại biểu Quốc hội cũng chỉ được Kiểm toán Nhà nước báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hằng năm, chứ không được tiếp cận với các kết luận kiểm toán chi tiết (trừ khi đại biểu đích thân yêu cầu một kết luận cụ thể nào).
Luật có quy định phải công khai kết luận thanh tra, kiểm toán không? Có! Nhưng lại không quên kèm theo “5 hình thức”, và đa số trường hợp họ chọn cách “kín” nhất. Đơn cử kết luận thanh tra Đồng Tâm này được “công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, chứ không “tổ chức họp báo”, dù đều quy định trong luật cả.
Luật cũng có quy định kết luận thanh tra phải “đưa lên trang thông tin điện tử”, nhưng lại kèm theo quy định “ít nhất 15 ngày”; thế là cứ công khai xong 15 ngày là người ta gỡ. Đơn cử kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ, cánh phóng viên theo dõi ngành “sểnh” ra là... trượt. Thế nên, hiện trên website của cơ quan này không còn một kết luận thanh tra nào, dù hằng năm họ tiến hành hàng trăm cuộc. Thanh tra tài nguyên - môi trường cũng vậy.
Vì sao họ chọn cách kín thế để công khai? Chắc chỉ có thể là vì họ sợ dân biết.
Bình luận (0)