Công khai nhưng không thấy?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/08/2019 04:52 GMT+7

Sở GD-ĐT Hà Nội đã hứa sẽ công khai danh sách các trường quốc tế để người dân biết và lựa chọn... Tuy nhiên, đến nay Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản nào công bố danh sách này như đã hứa.

Có một thực tế khá phổ biến là khi xảy ra hàng loạt vụ việc sai phạm, thậm chí bị khởi tố vụ án thì cơ quan quản lý mới “phát hiện” ra cơ sở đó “mạo danh”, chưa được cấp phép hoạt động, đào tạo “chui”; là chưa được cấp phép xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng đã được cấp sổ đỏ...
Chỉ riêng mảng giáo dục có thể kể đến vụ việc xảy ra ở Trường Gateway (Hà Nội), khi ông trưởng phòng GD-ĐT quận thản nhiên cho biết: “Văn bản thành lập trường chỉ có tên là Gateway. Có thể để quảng bá, thu hút học sinh, các trường có thêm chữ “quốc tế”...”. Trong khi đó, trong biển hiệu rất lớn ở cổng trường, website và mọi văn bản công khai của trường này lúc nào cũng có chữ “quốc tế” trong tên trường. Hơn nữa, cơ sở của Trường Gateway cũng rất gần với trụ sở của phòng GD-ĐT.
Còn Sở GD-ĐT Hà Nội thì cho biết, trong giấy phép hoạt động toàn TP chỉ có 11 trường có thể coi là trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả những trường có gắn mác quốc tế còn lại đều là “mạo danh” và tự phong. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng hứa sẽ công khai danh sách các trường này để người dân biết và lựa chọn. Bản thân các trường quốc tế “xịn” cũng mong ngóng từng ngày danh sách này được công khai để họ không bị người dân nhìn với con mắt nghi hoặc, thật giả lẫn lộn. Tuy nhiên, đến nay Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản nào công bố danh sách này như đã hứa.
Một vụ việc nổi cộm khác là trường hợp lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố về việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo cấp bằng mà chưa được phép. Khi báo chí chất vấn Bộ GD-ĐT về trách nhiệm quản lý ngành thì đại diện Bộ cũng trả lời... nhẹ tênh: Trường ĐH Đông Đô không xin phép, không báo cáo nên Bộ không biết trường này đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, việc Bộ cấp phôi bằng cho trường chỉ như cung cấp một dịch vụ in ấn! Kiểu như sai phải nói thì tôi mới biết, còn mọi thứ diễn ra công khai nhưng không tự báo cáo mình sai thì cơ quan quản lý dẫu có nhìn cũng không thấy chăng?
Thậm chí trước thông tin cô giáo của Trường mầm non Maple Bear (Hà Nội) phạt bằng cách nhốt học sinh vào tủ đựng đồ. Khi báo chí đưa tin và hỏi lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ thì lại nhận được câu trả lời “cơ sở này chưa được cấp phép hoạt động do thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Nhìn cơ ngơi của cơ sở Maple Bear hoành tráng, với các màu sơn và biển hiệu bắt mắt, mọi hoạt động nhộn nhịp, công khai, chắc chắn ít ai có thể hài lòng chấp nhận với lý giải của lãnh đạo ngành GD-ĐT quận này rằng cơ sở đó hoạt động “chui”.
Trường quốc tế mạo danh, trường ĐH cấp bằng “chui”, trường chưa được cấp phép hoạt động... là những nguyên nhân được lãnh đạo quản lý ngành từ cấp bộ, sở, đến phòng GD-ĐT đưa ra như một cách đổ lỗi cho chính các trường để làm nhẹ trách nhiệm của mình.
Bài bản này không chỉ riêng trong ngành giáo dục mà có vẻ như lặp lại ở nhiều lĩnh vực khác: chung cư mạo danh cao cấp, dự án chưa được cấp phép xây dựng đã giao nhà cho người mua vào ở, phương án phòng cháy chữa cháy chưa được thẩm duyệt, công ty ma bán dự án ảo... Tất cả cái sai đều chỉ về phía nơi vi phạm khi bị phát hiện vậy đã lọt cửa nào, cơ quan quản lý kiểu gì mà công khai như thế vẫn không thấy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.