Có 1.001 lý do được các cơ quan, ban ngành viện ra để chưa cắt bỏ các thủ tục này. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây,
Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói thẳng rằng một trong những lý do của việc này là muốn “níu giữ quyền lực”.
tin liên quan
Một lô hàng ti vi mất 3 tháng kiểm tra chuyên ngành
Nhận định của Phó thủ tướng có thể nói đã “điểm trúng huyệt” thực trạng nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành vô lý và tréo ngoe, nhiều người thấy, biết nhưng vẫn tồn tại. Đơn cử như nhiều thực phẩm chế biến sâu, nguyên liệu nhập khẩu từ các nước G7, có chứng nhận chất lượng của châu Âu, Mỹ..., nhưng về VN vẫn không được công nhận, vẫn bị buộc phải đi kiểm định ở các cơ sở trong nước theo chỉ định. Hay chuyện nhập iPhone 7, sản phẩm cao cấp của thương hiệu nổi tiếng - được cả thế giới công nhận và chúng ta hoàn toàn không đủ năng lực để sản xuất hay kiểm nghiệm, nhưng vẫn bị buộc phải kiểm tra chuyên ngành... Câu chuyện đã khiến Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng phải kêu “quá vô lý” trong cuộc họp về chủ đề này cuối năm 2017.
Vậy lý do gì để những cái quy định vô lý như thế này vẫn tồn tại? Lý do gì để các cơ quan có thẩm quyền cứ muốn “gánh việc”? Đó chính là quyền lực và đằng sau quyền lực là một khoản phí khổng lồ bao gồm cả phí chính thức và phí không chính thức. Bởi còn kiểm tra là doanh nghiệp còn phải cầu cạnh, còn phải chạy cửa này, cửa kia dù đúng hay sai, hồ sơ thiếu sót hay đầy đủ. Điều này tạo nên quyền lực cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cho những người có nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra.
Mà đã kiểm tra thì phải đóng phí. Công bố của Bộ KH-ĐT về chi phí kiểm tra chuyên ngành cho thấy, gánh nặng phí đang tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Tổng cộng các chi phí để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh lên tới khoảng 70 triệu đồng (chưa kể giá trị sản phẩm bị phá hủy lên tới hàng chục triệu đồng).
tin liên quan
'Rừng rậm' kiểm tra chuyên ngànhNhưng đó mới chỉ là phí chính thức. Phí không chính thức còn lớn hơn. Muốn kiểm tra nhanh thì có phí lót tay. Muốn mọi việc thuận lợi, không bị hoạnh họe thì có phí bôi trơn... Cứ phí đi trước, hàng hóa theo sau. Còn kiểm tra như thế nào, chất lượng kiểm tra ra sao, cần thiết hay không cần thiết phải kiểm tra... không quan trọng. Chẳng thế mà có tới 30% lô hàng đến nay vẫn phải kiểm tra chuyên ngành (trong khi mục tiêu kéo xuống là 15%) nhưng phát hiện rủi ro chỉ 0,14%.
Nhưng “níu giữ quyền lực” kiểu này sẽ làm môi trường kinh doanh tụt hậu, doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh và kéo lùi sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cơ quan nào còn viện cớ để “níu giữ quyền lực”, không chịu cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng như điều kiện kinh doanh về đúng chỉ tiêu mà Chính phủ đã đặt ra, cứ truy trách nhiệm người đứng đầu và chế tài thật nghiêm. Không thể để tình trạng vì quyền lực, quyền lợi của một vài đơn vị mà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh chung cả cả đất nước mãi được.
Bình luận (0)