Thách thức cải cách hành chính

08/05/2015 06:05 GMT+7

Chuyện một địa phương có tới hàng trăm ban chỉ đạo các loại, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, gây lãng phí tiền bạc và đặc biệt là lãng phí thời gian không tính đếm được như ở Đà Nẵng không phải là cá biệt. Đây là tình trạng chung ở nhiều ngành, nhiều địa phương và nó đang thách thức công cuộc cải cách hành chính.

Chuyện một địa phương có tới hàng trăm ban chỉ đạo các loại, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, gây lãng phí tiền bạc và đặc biệt là lãng phí thời gian không tính đếm được như ở Đà Nẵng không phải là cá biệt. Đây là tình trạng chung ở nhiều ngành, nhiều địa phương và nó đang thách thức công cuộc cải cách hành chính.

Năm 2014, trong một cuộc họp bàn về cải cách hành chính, lãnh đạo cao cấp của một bộ từng nói ông “giật mình” khi thấy mình “có chân” trong quá nhiều ban chỉ đạo. Và rằng, nếu họp đủ số giờ của tất cả các cuộc họp mà ông được mời, thì bình quân mỗi ngày ông phải họp tới 27 giờ.
Các địa phương khi lập ra các ban chỉ đạo, thường là tư duy theo cách: T.Ư có hệ thống ngành dọc thế nào thì địa phương cũng có như vậy để dễ bề thực hiện các chỉ đạo từ ban chỉ đạo T.Ư. Nhưng các quan chức địa phương lại không hiểu một nguyên tắc rằng: Ở tầm quốc gia, có nhiều vấn đề cần thiết phải lập ban chỉ đạo và yêu cầu một số bộ, ngành, địa phương cùng tham gia để hoạch định chiến lược hoặc tham mưu trong việc ban hành chính sách trong một thời điểm nào đó. Nhưng ở địa phương thì mô hình đó không phù hợp, thậm chí còn gây cản trở cho việc triển khai, thực hiện chính sách. Các ban chỉ đạo được lập ra với thành viên là người làm trong các lĩnh vực liên quan, nhưng bao giờ cũng có thường trực, là biên chế, là trụ sở, là chi phí hành chính tăng theo.
Nhưng cơ chế làm việc của các ban chỉ đạo lại chưa từng được quy định trong bất kể văn bản hành chính nào. Hoạt động chủ yếu thông qua… họp. Mà ai cũng hiểu, họp mà không có người quyết thì họp cũng chỉ để mà họp; Họp xong rồi về, ngành nào, đơn vị nào vẫn làm công việc của mình mà chả ai quan tâm đến “ban chỉ đạo”.
Kiểu tư duy thích bàn, thích họp, thích ban bệ ở nhiều cơ quan hành chính hiện nay là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn quá tải họp hành từng được cảnh báo ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Điều này cho thấy, nguyên tắc mỗi việc chỉ do cấp nào làm tốt nhất đảm nhiệm, chịu trách nhiệm hoàn toàn vẫn chưa được thực hiện. Chúng ta cũng vẫn chưa làm rõ được việc gì chỉ do trung ương làm, việc gì địa phương phải xin ý kiến trung ương trước và việc gì địa phương hoàn toàn quyết định. Mối quan hệ ngang cũng chưa được quy định rõ. Nghĩa là, mỗi việc chỉ do một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm, một địa chỉ, các ngành khác (nếu có) cũng chỉ giữ vai trò phối hợp chưa được thực hiện triệt để. Cộng với quy chế phối hợp thiếu khoa học, không thực chất, thực tế này đang mang lại hệ quả tồi tệ, đó là chính các cơ quan hành chính giẫm chân nhau, thậm chí quay lưng lại với nhau.
Về mặt lý thuyết có thể nhìn thấy vấn đề này rất rõ, nhưng khi tâm lý “hội đồng”, “mặt trận” còn ăn sâu thì không nhiều địa phương có thể tuyên bố dẹp bỏ các ban chỉ đạo - các bộ máy hữu danh vô thực, giống như Đà Nẵng. Điều này đòi hỏi không chỉ quyết tâm mà phải cả nỗ lực cải cách từ trung ương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.