Khi đó, ông Hà khẳng định: “Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị”.
Thế nhưng, trả lời kiến nghị cử tri về vấn đề trên mới đây, Bộ Quốc phòng đã có một thống kê khá rõ ràng về việc người Trung Quốc sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Trong đó, một dẫn chứng cụ thể do Bộ Quốc phòng đưa ra từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng.
Trong dẫn chứng này, thời điểm xảy ra việc người Trung Quốc tiến hành sở hữu đất là từ năm 2011 - 2015, tức trước thời điểm Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định “chưa phát hiện người nước ngoài mua đất”. Vì thế, thực tế trên đặt ra vấn đề vị bộ trưởng này đã thực sự làm hết trách nhiệm hay chưa?
Thực tế, chẳng phải tự nhiên mà cử tri, dư luận, nhân dân cả nước quan tâm việc người Trung Quốc sở hữu đất tại Việt Nam, đặc biệt là các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Bởi Trung Quốc trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng đã tiến hành thâu gom đất từ châu Á, đến châu Úc rồi châu Phi, từ khu vực Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Trong đó, dư luận, giới chuyên gia đã chỉ ra không ít tham vọng của Trung Quốc về việc từ mua “đất dân sự” biến thành cơ sở quân sự.
Một loạt dẫn chứng ở châu Phi và các đảo quốc khu vực nam Thái Bình Dương đã chỉ ra điều đó. Thực tế này càng trở nên nhạy cảm với Việt Nam - một nạn nhân của những chiêu trò mà Trung Quốc đang tiến hành để thâu tóm Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam không chỉ là những chiến sĩ hải quân, những người làm ngoại giao đang ngày đêm đấu tranh với Trung Quốc ở thực địa hay trên mặt trận thông tin ngoại giao, mà còn là toàn lực những cơ quan ban ngành. Ví dụ điển hình ở trên chính là vai trò của ngành TN-MT trong việc đảm bảo không để những khu đất ở vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng rơi vào tay Trung Quốc.
Thời gian qua, bên cạnh những chiêu trò quấy rối trên Biển Đông, Bắc Kinh còn thực hiện hàng loạt hành vi khác để phục vụ mưu đồ chủ quyền.
Từ những ấn phẩm học tập, khoa học như sách vở, bản đồ... cho đến phim ảnh, Trung Quốc không ngần ngại lồng ghép những nội dung sai trái về chủ quyền, đe dọa an ninh Việt Nam. Và đến giờ thì không loại trừ khả năng Trung Quốc âm mưu chiếm cứ các vị trí đất đai quan trọng ở Việt Nam.
Chính vì thế, cuộc đấu tranh đòi hỏi trách nhiệm của nhiều cơ quan ban ngành. Bảo vệ chủ quyền quốc gia phải đến từ bên trong. Trách nhiệm đó phải được thể hiện ở hiệu quả công việc cụ thể của tất cả cơ quan ban ngành liên quan. Chỉ một cơ quan tắc trách thì hậu quả là khó lường.
Bình luận (0)