Xăng giảm giá, vẫn còn lo...

21/01/2016 05:15 GMT+7

Chỉ trong vòng 20 ngày đầu tiên của năm nay, giá xăng đã 2 lần giảm và đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Chỉ trong vòng 20 ngày đầu tiên của năm nay, giá xăng đã 2 lần giảm và đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Nhưng câu hỏi mà tất cả mọi người đặt ra sau việc giảm giá xăng lại là những vấn đề xung quanh giá cước vận tải.
Người đơn giản thì hỏi rằng, bao giờ giá cước giảm theo? Rất nhiều người đặt vấn đề, xăng giảm thấp nhất trong 6 năm, vậy giá cước đang ở mức nào trong 6 năm qua? Rồi xăng giảm 12 lần trong năm 2015, cước giảm bao nhiêu lần trong 1 năm qua? Đặc biệt lần giảm giá xăng này sát tết, hàng triệu công nhân, sinh viên đang học tập, làm việc ở các TP lớn đều có chung mối quan tâm, xăng giảm sao giá vé xe tết không giảm? Chị tạp vụ ở gần nhà tôi lại thắc mắc "mấy hồi xăng tăng, đi mua rau ngoài chợ cũng tăng, ăn tô phở cũng tăng. Giờ xăng giảm sao tôi đi ăn sáng thấy giá tô hủ tiếu vẫn vậy?". Câu hỏi đơn giản nhưng phản ánh chân thực nhất sự thiếu sòng phẳng của giá cước và một số loại giá “ăn” theo xăng. Từ đó có thể nhận thấy rất rõ, xăng đã giảm khá mạnh trong năm qua nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng nói chung hầu như không giảm, thậm chí một số mặt hàng còn tăng. Hỏi phở, hỏi rau... đều có chung một câu trả lời, cước không giảm nên giá không thể giảm. Nói như vậy để thấy, giá cước chây ì đã chặn đứng việc giảm giá của hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ đằng sau đó. Cứ mỗi khâu một ít, kéo theo cả một nền sản xuất bị ảnh hưởng khi mặt bằng giá luôn kém cạnh tranh với hàng hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trước sự chây ì của giá cước, Bộ GTVT cho biết tới đây cơ quan quản lý sẽ áp dụng quy định doanh nghiệp giảm giá cước sau 5 ngày xăng dầu giảm giá. Trước đó, bộ này cùng Bộ Tài chính, các sở ngành địa phương cũng phải làm đủ các giải pháp, từ gửi văn bản đề nghị, yêu cầu, thanh kiểm tra... giá đầu vào để thúc giục giảm giá cước. Đây là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng ngẫm cũng thấy... buồn. Bởi xét về mặt quản lý, đây là một bước lùi. Chúng ta đều biết, chủ trương của nhà nước là để giá cước vận hành theo cơ chế thị trường. Đó là phải có lên, có xuống theo tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, đã rất nhiều lần, người dân bức xúc yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc, thậm chí sử dụng những giải pháp hành chính để kiểm soát giá cước.
Thế nên, trước đây mỗi lần xăng giảm thì người dân, doanh nghiệp đều vui. Giờ xăng giảm, nhiều người lại thấy buồn. Vì xăng giảm kệ xăng, cước vẫn im lặng, hoặc ép lắm thì giảm nhỏ giọt, giảm cho có. Rồi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lại phải hối thúc, thậm chí kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các hãng vận tải chây ì... Dư luận bức xúc chán rồi... thôi.
Có lẽ đã đến lúc, phải có biện pháp cứng rắn hơn để "trị" nạn chây ì của giá cước, chứ không thể để tình trạng người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế hết lần này tới lần khác phải chịu thiệt hại từ giá cước như thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.