Có thể ‘thắp nến’ 365 đêm cho liệt sĩ?

28/07/2014 10:39 GMT+7

Tôi thật sự xúc động khi mới hôm 26.7, cả ba ngàn nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước đã được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp tổ chức cho các bạn trẻ thắp nến tri ân liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

>> Kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Thắp nến ở 3.000 nghĩa trang liệt sĩ
>> Phát thuốc "quá đát” cho gia đình thương binh, liệt sĩ
>> Nhân ngày Thương binh liệt sĩ
>> Tuần phim kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
>> Tặng sách cho con thương binh - liệt sĩ

Chương trình "Thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ là một ý tưởng hết sức nhân văn được Ban Bí thư T.Ư Đoàn phát động, tính đến nay cũng đã được 6 năm. Nó càng có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn khi nghĩa cử đó đã trở thành một nếp sống rất có văn hoá của lớp trẻ, không hề hình thức và miễn cưỡng...

Cách đây 22 năm (1992), báo Thiếu niên Tiền phong cũng đã phát động các em nhỏ quyên góp mua 12 ngàn bát hương cho 12 ngàn nấm mộ liệt sĩ đã yên nghỉ ở Nghĩa trang Trường Sơn. Thực ra, hoàn toàn không phải Nhà nước thiếu kinh phí, không sắm nổi bát hương đặt trên mỗi nấm mộ. Song, như ông Phong Doanh, nguyên Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong cho biết, quả là khi ấy các nấm mộ cũng chưa hề có đủ cái tối thiểu đó và lại không đồng bộ. Mặt khác, đó cũng còn là dịp để nhắc nhở lớp trẻ biết ơn về cha ông mình đã ngã xuống, giữ gìn cuộc sống bình yên cho các thế hệ mai sau.

 
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ trong ngày khánh thành Nghĩa trang mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) - Ảnh: Thu Hằng

Nếu chúng ta có dịp đi một lượt các nghĩa trang lớn, những "địa chỉ đỏ" như Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng trị, Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Việt - Lào... dù bất kể ngày nào trong năm, chúng ta đều được thấy nơi đó luôn kín người tới viếng thăm và khói hương không kịp tắt. Trong lòng ta, đặc biệt là với người thân của những ai đã nằm xuống đó, thấy ấm áp nhường nào!

Mới đây, tôi có may mắn được dự lễ khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Mỏ thiếc Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) do Công ty cổ phần Nam Việt Á tài trợ 1,6 tỉ đồng (báo Thanh Niên vận động) mà lòng ngổn ngang buồn vui lẫn lộn. Buồn bởi lẽ đến giờ tôi mới biết, suốt hàng chục năm qua, nghĩa trang này, nơi yên nghỉ của 15 chiến sĩ tự vệ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mỏ thiếc Tĩnh Túc khi quân Trung Quốc tràn sang ngày 19.2.1979, chưa hề được một lần cải tạo, chỉnh trang. Vui vì hôm nay, các anh đã có "nhà mới" thật khang trang, vì các anh vẫn được nhớ tới dù các anh đang nằm trên một ngọn núi cao heo hút, xa khu dân cư.

Nghĩa trang đã rất đẹp, song tôi ao ước giá như có một cơ quan nào đứng ra khởi xướng và vận động đóng góp theo hướng xã hội hoá để ba ngàn nghĩa trang trên cả nước sáng đèn mỗi đêm. Nên chăng, một lần nữa, tuổi trẻ cả nước sẽ chung tay góp sức thực hiện dự án trang bị hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời như một hình thức "thắp nến" suốt 365 đêm trong năm?

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.