Đã đến lúc đưa nỗi sầu này của người Việt vào sách giáo khoa

03/05/2019 13:41 GMT+7

Không chỉ là chuyện ăn uống, một bộ phận người Việt ra nước ngoài còn 'lưu dấu' vô số hành vi xấu xí, phổ biến nhất là nói chuyện ồn ào, xả rác bừa bãi, không xếp hàng và có 'thứ hạng cao' về chuyện... ăn cắp vặt.

Những năm gần đây, người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng đông. Đi du lịch nước ngoài giúp nhân sinh quan của chúng ta mở mang hơn trước thế giới muôn màu, muôn vẻ, học được nhiều điều hay mà xứ mình chưa đạt được. Ví dụ như chuyện xếp hàng hoặc tự giác bỏ rác vào thùng chẳng hạn. Tôi có dịp đi du lịch đến một số nước nên thấu hiểu điều ấy.

Tháng 4 vừa rồi số lượng người Việt đi du lịch đến Nhật Bản nhân mùa hoa anh đào khá đông. Đến tiết mục ẩm thực dưới dạng buffet (tự chọn thức ăn) trong một nhà hàng ở Tokyo, nhiều người sửng sốt trước một tấm bảng thông báo viết bằng tiếng Việt: “Kính gửi quý khách. Vui lòng lấy lượng thức ăn vừa đủ ăn. Trường hợp thức ăn thừa nhiều, có thể chúng tôi sẽ phải phụ thu thêm tiền. Rất mong quý khách thấu hiểu và thông cảm”.

Một bảng thông báo có tính “răn đe” nhưng khá lịch sự. Điều đáng lưu ý là tại sao nhà hàng này (và nhiều nơi khác ở Nhật) chỉ dán thông báo bằng tiếng Việt, mà không phải là tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc một loại ngôn ngữ phổ biến nào khác? Rõ ràng người Nhật rất “quan tâm” và… âu lo về hành vi ẩm thực buffet gây phiền lòng của một bộ phận du khách Việt Nam vô ý thức. Thay vì lấy lượng thực phẩm vừa đủ ăn, một số người đã vô tư chất đầy món ăn lên đĩa, đến lúc ngán quá xơi hết nổi đành bỏ thừa mứa.

Ăn buffet là bao no, tính tiền 1 lần, nhưng cũng đừng thể hiện suy nghĩ “ăn cho đáng đồng tiền, bát gạo” kiểu như vậy. Nói thiệt, “văn hóa ẩm thực” kiểu ấy chẳng ai ưa. Đừng trách mấy ông chủ nhà hàng khi công khai tấm bảng lưu ý thực khách kiểu như vậy, vì sự chịu đựng của họ đã vượt quá mức cho phép.

Không chỉ là chuyện ăn uống, một bộ phận người Việt chúng ta ra nước ngoài còn “lưu dấu” vô số hành vi xấu xí, phổ biến nhất là nói chuyện ồn ào, sinh hoạt mất trật tự, xả rác bừa bãi, khạc nhổ tùm lum, “thích” chen ngang hơn xếp hàng và có “thứ hạng cao” về chuyện... ăn cắp vặt. Tất cả những điều ấy cần phải điều chỉnh, thậm chí “đại phẫu thuật” nếu cần.

Xưa nay người Nhật rất có cảm tình với Việt Nam. Vậy mà đã đến lúc họ “chịu không thấu” chuyện ăn uống của người xứ mình. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ và thể hiện hành vi đúng mực. Chúng ta đều biết người Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ về nhiều mặt, trong đó phải kể đến họ có một nền tảng giáo dục chuẩn mực ngay từ bậc tiểu học. Đó là lý do giải thích vì sao hộ chiếu Nhật Bản vươn lên trở thành “đẳng cấp” nhất thế giới, trên cả hộ chiếu của Hoa Kỳ, Canada hoặc Liên minh châu Âu.

“Trông người rồi ngẫm đến ta”, đã đến lúc những quan chức điều hành ngành giáo dục Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình Giáo dục công dân trong học đường, ngay từ bậc tiểu học, về hành vi ứng xử khi ra nước ngoài.

Điều đó giúp chúng ta “cải thiện hình ảnh quốc gia” trước mắt bạn bè 5 châu. Việt Nam mở cửa với thế giới và thế giới cũng mở cửa đón chúng ta đến thăm. Sự giao thoa ấy là xu hướng tất yếu của thời đại, nhất là chuyện đi du lịch nước ngoài của người Việt đã và đang được “phổ cập” hơn, đông vui hơn theo từng năm.

Đừng để những hình ảnh phản cảm của người Việt trở thành nan y.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.