Đường ống nước Sông Đà về Hà Nội: Ba ngày vỡ 2 lần, dân hoang mang cao độ

12/07/2014 19:26 GMT+7

Chiều ngày 10.7, khi các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội đăng đàn, yêu cầu giải thích và đưa ra giải pháp khắc phục đường ống dẫn nước Sông Đà (của VIWASUPCO thuộc Tổng công ty VINACONEX là chủ đầu tư) tại sao mới có 5 năm vận hành mà đã có tới 7 lần vỡ thì cũng là lúc đường ống này vỡ lần thứ 8, nơi mà gần đó vài chục mét, ở km 25 của đường cao tốc Thăng Long, cách đây 1 tháng cũng vừa vỡ.

>> Hơn 70.000 hộ dân Hà Nội lại khổ vì đường ống nước sạch sông Đà vỡ lần thứ 9
>> Lại vỡ đường ống nước sạch sông Đà
>> Đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ do chất lượng kém và thi công ẩu
>> Đường ống nước sạch sông Đà liên tục vỡ do không xử lý nền đất khi thi công

Những tưởng phải sau ít tháng nữa, nếu có sự cố tiếp thì mới là "bình thường". Nào ngờ đâu, cách 2 ngày sau, 12.7, ống nước lại vỡ tiếp ở km 15, đoạn qua huyện Hoài Đức làm dân lo sốt vó bởi đây đã là lần thứ 9.

"Dự kiến, khoảng 1-2 giờ ngày 13.7, chúng tôi sẽ cấp nước trở lại. Khoảng trưa đến chiều cùng ngày, nếu thuận lợi, toàn bộ mạng lưới sẽ được cấp nước trở lại”, ông Nguyễn Văn  Tốn, Tổng giám đốc VIWASUPCO cho hay.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội thì cho đến nay, cũng chưa có một báo cáo chính thức về lý do vỡ ống liên tục này, nhưng một số chuyên gia thì cho rằng, nguyên nhân có thể do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về thành phố. "Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà đầu tư là Tổng công ty VINACONEX trong quá trình khảo sát, thiết kế rồi lựa chọn tiêu chuẩn, vật tư vật liệu, cho tới thi công, giám sát nghiệm thu", ông Hùng nói.

 
Công nhân của VIWASUPCO khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà ngày 12.7 - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Số phận và chất lượng của đường ống nước nói trên liên quan tới đời sống của 70.000 hộ dân nội thành Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày, đêm. Nó được xem là đầu tư của giai đoạn 1. Mỗi lần ống gặp sự cố là một lần người dân hồi hộp mong chờ kết quả khắc phục và đương nhiên, ai cũng mong sớm chữa xong. Tiếc rằng, thông tin sự cố mỗi lần xảy ra, người dân đều đọc trên báo hoặc truyền hình phát sóng. Nó không phải là từ nguồn của VIWASUPCO được đưa lên trang web. Có thể xem đây là cách làm thiếu trách nhiệm và thiếu khoa học của VIWASUPCO bởi lẽ, không phải bất cứ ai cũng biết do đọc báo hay xem tivi. Khi tôi theo dõi thời sự về Hội đồng Nhân dân Hà Nội họp mà vô tình được biết sự cố này chứ không phải nhờ đọc báo mạng mà biết sớm hơn. Tôi đã thử vào trang tin tức, sự kiện của website VIWASUPCO thì buồn thay, trang web đó lạnh tanh, không một dòng thông tin nào về sự cố này.

Nên nhớ rằng, 70.000 hộ dân và hàng ngàn cơ quan, đơn vị quân đội, nhà máy, công trường, trường học, bệnh viện... của Hà Nội đang là "thượng đế" của họ, vậy mà sao cách làm lại có thể như thế được? Nếu nói số người cụ thể sử dụng nước Sông Đà qua đường ống trên không phải con số hàng triệu người thì chí ít cũng phải dăm bảy trăm ngàn, không thể ít hơn.

Được biết, Hà Nội cũng đã ra "tối hậu thư" cho nhà cung cấp nước nói trên phải khẩn trương làm thêm 10 km đường ống, mục đích là chia nhánh ra nhằm giảm bớt áp lực cho đoạn ống hiện tại trong khi chờ thực hiện tiếp dự án thuộc giai đoạn 2... Thời gian hoàn thành sẽ vào tháng 9 tới. Như vậy, khả năng sự cố như đã liên tục xảy ra vẫn còn hiển hiện bất cứ lúc nào. Và cho dù có khắc phục được sau đó thì trang web của nhà cung cấp nước VIWASUPCO cũng cần ra thông cáo báo chí khi có sự cố cho các cơ quan truyền thông và đương nhiên, cả đưa lên trang web của mình. Nó vẫn hết sức cần thiết để người dân cập nhật, chủ động xử lý mỗi khi có trục trặc và có phường án dùng tiết kiệm.

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác  giả, một nhà báo sống ở Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.