Nhiều tỉnh, thành miền Trung đang xảy ra tình trạng khô hạn, lúa và hoa màu chết khô. Giếng khô cạn, thiếu nước sinh hoạt làm đảo lộn cuộc sống của bao người. Người dân miền núi nhọc nhằn vượt đèo dốc mang nước về dùng dè xẻn hàng ngày. Cư dân ven biển khốn khổ vì mực nước ngầm xuống thấp, giếng nước bị nhiễm mặn.
Điều này báo hiệu lũ dữ gây hiểm họa khôn lường vào mùa mưa từng xảy ra trong những năm qua. Bên cạnh biến đổi khí hậu còn có sự tác động rất lớn của con người. Đó là các hoạt động thay đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, gây hại đến thiên nhiên.
Dải đất miền Trung nằm giữa núi rừng và biển cả bao la. Những cánh rừng với cây gỗ cao lớn bao đời chở che, cung cấp lâm sản nuôi sống con người. Nhưng rừng không còn "bình yên" khi thực hiện chủ trương giao rừng cho tổ chức, cá nhân sản xuất hơn hai thập niên trước. Người dân được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất rừng với thời hạn 50 năm. Tình trạng chặt phá, đốt sạch diễn ra trước sự lo lắng của bao người.
Cây nguyên liệu (bạch đàn và keo) được trồng trên những cánh rừng vừa bị thiêu trụi trơ sỏi đá. Lợi dụng cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, nhiều người xâm lấn rừng già và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất. Sau 4 - 6 năm, họ khai thác cây và dọn thực bì theo kiểu đốt sạch để trồng lứa mới.
Những chu kỳ cứ thế tiếp diễn, mặc cho đất rừng bị rửa trôi, bào mòn. Chủ rừng thu khoản tiền kếch xù, nhiều người được vinh danh “sản xuất giỏi”. Khoản tiền lớn “chảy” vào túi một nhóm người nhưng để lại thảm họa khôn lường cho cộng đồng.
Việc đốt sạch - trồng mới - thu hoạch - đốt sạch khiến nước ngầm bị suy kiệt, sạt lở đất là điều đương nhiên. Mưa lũ, vạt rừng trơ trụi hay những khoảnh rừng trồng cây nguyên liệu dễ dàng trôi tuột, vùi lấp mọi thứ bên dưới. Không còn rễ cây to bám đất, giữ nước sẽ tạo thành sình lầy rồi gây nên sạt lở là điều không thể tránh khỏi. Đất núi trôi lấp lòng hồ làm giảm lượng nước chứa, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của cư dân vào mùa nắng. Nước lũ cuốn trôi mọi thứ dồn dập đổ về xuôi. Sông dâng tràn nhấn chìm làng quê và phố xá vùng hạ du chứ không còn êm đềm và thơ mộng.
Mùa khô, khe suối trong rừng cạn trơ đáy khiến cho cây cỏ héo khô, thú rừng dáo dác tìm nước uống. Sông góp nước từ khe suối phơi bày sỏi đá, thành những dòng sông chết chứ không trong xanh như thuở trước. Nhiều vạt rừng chết khô vì thiếu nước.
Làm giàu từ rừng với việc đốt sạch - trồng mới - thu hoạch - đốt sạch như nuốt cơm tẩm thuốc độc, tự hủy diệt chính mình.
Hãy trả lại màu xanh bền vững cho rừng. Cơ quan chức năng cần sửa đổi những quy định không còn phù hợp với hiện tại, yêu cầu chủ rừng trồng cây lâu năm, chấm dứt "vòng lẩn quẩn" đốt sạch - trồng mới - thu hoạch - đốt sạch. Điều đó góp phần giảm thiểu hạn hán trong mùa khô và lũ dữ vào mùa mưa, tránh cảnh người dân chịu lắm nỗi nhọc nhằn.
Bình luận (0)