Ngày 25.1.2021, sau nhiều phiên toà bị trì hoãn kéo dài trong 6 năm, Toà án vùng Évry-Courcouronnes, tỉnh Essonne, Cộng hòa Pháp đang chính thức xét xử vụ kiện "Chất độc da cam" do một người phụ nữ Việt Nam, đã 78 tuổi, bà Trần Tố Nga, người có hai quốc tịch Pháp-Việt, một người kháng chiến cũ từng chiến đấu dưới lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam, và là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam do quân đội Mỹ thả xuống vùng căn cứ Củ Chi vào mùa thu năm 1966, đứng nguyên đơn.
Bà Tố Nga khởi kiện các công ty hóa chất lớn như tập đoàn Dow Chemical và những công ty hoá chất trước đây đã cung cấp cho quân đội Mỹ những chất diệt cỏ cực kỳ độc hại ở Việt Nam.
Vụ kiện này bắt đầu từ năm 2014, khi bà Trần Tố Nga khởi tố Công ty hóa chất Monsanto (ngày nay nằm trong tay công ty Bayer của Đức), Công ty Dow Chemical và một số công ty khổng lồ của công nghiệp nông - hoá Mỹ.
Bây giờ thì cả thế giới đã biết sự khủng khiếp của chất độc da cam mang mỹ danh "thuốc diệt cỏ" mà quân đội Mỹ thả xuống những vùng rừng núi, đồng bằng thuộc miền Nam Việt Nam trong chiến tranh. Chất độc ấy đã tàn hại hàng triệu người Việt Nam, tàn hại nhiều thế hệ người Việt dù họ ở đâu, đứng về phe nào, hay chỉ là những người dân bình thường bị "dính" vào.
Thứ chất độc là vũ khí chống lại con người, chống lại nhân loại ấy, trong mười năm trời, từ 1961 đến 1971, Mỹ đã thả hơn 80 triệu lít lên hơn hai triệu hecta ở Đông Dương với mục đích hủy hoại thảm thực vật tươi tốt và triệt tiêu những chỗ trú ẩn của các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
Nhưng thiên nhiên và con người "thụ hưởng" chất độc này không chỉ bó gọn trong những căn cứ Việt Cộng hay những người Việt Cộng, nó "hào phóng" ban phát cho tất cả thiên nhiên thuộc Đông Dương trong vùng rải thuốc, với tất cả những ai bị dính vào nó như một định mệnh, kể cả những người lính Mỹ làm nhiệm vụ ngồi máy bay thả chất độc ấy.
Bây giờ thì ai cũng biết chất độc da cam là thế nào. Vì những nạn nhân của chất độc ấy có ở khắp ba miền Việt Nam, có ở Mỹ, và có ở bất cứ nơi nào con người bị phơi nhiễm chất độc ấy.
Tôi đã từng có thời gian sát cánh với Hội nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi, đã đi nhiều vùng trong tỉnh, gặp gỡ với nhiều nạn nhân chất độc da cam, và đã viết nhiều bài báo về chủ đề này. Nên tôi hiểu.
Đúng là chất độc da cam không chừa ai, không từ ai, không phân biệt phe này hay phe kia. Nó thả thí xác, và ai vô phúc đụng phải nó thì không chỉ mình bị phơi nhiễm, mà con cháu mình cũng không thoát. Tôi đọc bài báo của một nhà báo Pháp viết về chị Trần Tố Nga, mà không cầm được nước mắt :
"Trần Tố Nga ân hận là mình và các bạn hồi đó đã vô tâm lội qua những sình lầy đầy rẫy những cây cỏ nhiễm độc. Bà tin đó là nguyên nhân cái chết ba năm sau đó của Việt Hải, con gái đầu lòng, lìa đời lúc chưa đầy ba tháng. "Cháu rất xinh, đẻ ra mấy ngày sau thì da dẻ bong ra từng mảng. Tôi muốn ôm cháu, nựng nịu nó mà không dám vì cháu thở không được. Mấy bà trong trại thì thầm chắc kiếp trước tôi gây ra nhiều oan nghiệt nên bây giờ phải chịu nhân quả…". Trên khuôn mặt bà mẹ, thoáng hiện nỗi thương đau không bao giờ nguôi."
Người mẹ ấy đã đứng lên, đơn thương độc mã chiến đấu với cả những "tập đoàn da cam" vô cùng hùng hậu và giàu có. Không có tiền bạc, chỉ có chính nghĩa, chỉ có khát vọng cháy lòng đòi công lý cho hàng triệu người bị nhiễm chất độc da cam qua tới ba thế hệ, bà Trần Tố Nga đã khởi lên một cuộc chiến không cân sức chống lại sự độc ác tận cùng. Thật vô cùng cam go cho người phụ nữ Việt Nam và cuộc chiến vĩ đại chưa có hồi kết. Nhưng nhân loại đã bắt đầu thức tỉnh. Và tội ác dù có đầy đủ phương tiện và tiền bạc che chắn, nhất định phải lộ mặt trước lương tri loài người.
Tôi chưa gặp bà Trần Tố Nga, nhưng tôi là bạn thân với em ruột bà, chị Trần Tuyết Nga, nguyên phát thanh viên đầu tiên của Đài phát thanh Giải phóng. Và qua chị Tuyết Nga, tôi hình dung được chí khí lẫm liệt của bà Trần Tố Nga. Đó là hai chị em với ý chí mãnh liệt và không thể bẻ gãy dù đối thủ là ai.
Tôi tin vào thắng lợi cuối cùng của "cuộc chiến da cam" mà bà Trần Tố Nga đang theo đuổi.
Bình luận (0)