Theo tôi, đó không phải là chuyện để cười đùa mà đáng suy ngẫm. Cháu gái tôi năm nay 14 tuổi, cũng vì đọc Facebook suốt ngày thấy người ta ra rả về chuyện “đi khách”, “mua bán dâm” , chuyện 7.000 USD, 25.000 USD… để rồi bắt tôi giải thích.
Cháu tôi rất xinh và đang tuổi ăn tuổi lớn. Nghe tôi kể về việc các cơ quan chức năng “phá đường dây mua bán dâm” với giá “khủng”, cháu cười: “Sao mà giá khủng dữ vậy? Sao những người trên Facebook lại lấy chuyện đó ra làm trò đùa?”. Lời cháu gái làm tôi chợt ngẫm, không hiểu sao mỗi khi một số người “gặp chuyện” từ lớn đến nhỏ đều có thể đem ra phỉ báng, cười cợt, chửi rủa và mỉa mai người khác. Mỗi lần có đường dây bán dâm bị khui là y như rằng những cô gái từng dính hay vướng nghi án bán dâm trước đây một lần nữa bị lôi ra, dù họ đã từng chịu một “bản án” nặng nề từ dư luận.
Tôi từng chứng kiến người đẹp X bắt đầu làm lại cuộc đời từ con số âm và đang sống vui vẻ sau cái giá quá đắt phải trả do lỗi lầm mình gây ra thì đùng một cái tên cô bị nhắc lại, bị khui ra. Cô đang chuộc lại lỗi lầm bằng những buổi từ thiện, đi chùa, ăn chay, kinh doanh mỹ phẩm… Nhưng rồi mỗi khi quá khứ bị đào bới, cô lại phải trốn chui, trốn nhủi.
Ngày báo chí đăng tin một số người đẹp tham gia vào đường dây bán dâm, nhiều người trổ tài thám tử bằng cách suy ra tên của những nhân vật bán dâm được cho là á hậu, diễn viên, MC (người dẫn chương trình) có các tên viết tắt: T.D, T.M.L, C.V... Tôi còn nhớ trong những cuộc trò chuyện cùng báo chí, siêu mẫu Xuân Lan, á hậu Trương Thị May, đạo diễn thời trang Tạ Nguyên Phúc từng nói rằng khi có một đường dây liên quan đến người đẹp, người mẫu bị bắt là y như rằng xã hội “quy chụp” cho cả làng người mẫu. Trương Thị May còn nói, con người mà, có thể từng mắc sai lầm nhưng ai làm thì người nấy chịu không nên quơ đũa hết người đẹp.
Những cuộc thi nhan sắc “ao làng” đã gán cho một số người những danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi thật hoành tráng. Những sự việc như vừa rồi không khỏi ảnh hưởng đến các cuộc thi nhan sắc lớn sắp diễn ra. Nhiều người hỏi: Làm sao để phân biệt đâu là cuộc thi nhan sắc của người Việt mang đẳng cấp quốc gia, đâu là cuộc thi “ao làng” diễn ra ở khắp nơi không chỉ trong nước mà còn Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc?… Câu này khó quá bỏ qua! Xin hãy hỏi các cơ quan quản lý về văn hóa!
Bình luận (0)