Người Việt rảnh thiệt!

04/03/2015 07:00 GMT+7

Đó là nhận định của nhiều người nước ngoài sau vài lần đến Việt Nam. Tôi bảo, đất nước nào cũng vậy, có người này người khác.

Đó là nhận định của nhiều người nước ngoài sau vài lần đến Việt Nam. Tôi bảo, đất nước nào cũng vậy, có người này người khác.

Hàng ngàn người hiếu kỳ tập trung "xem" công an xử lý một thùng carton vô chủ bỏ bên đường, với thông tin đồn đại là... chứa bom. Công an sau đó xác định bên trong thùng carton chỉ có một quách nhỏ, do ai đó mua để đi bốc hài cốt, nhưng sau lại không cần sử dụng nữa nên bỏ lại, nghĩ rằng công nhân dọn vệ sinh khi quét rác sẽ dọn luôn. Câu chuyện xảy ra hồi tháng 12.2014 - Ảnh: Nguyễn Chung 
Tôi và nhiều người quanh năm tất bật với đủ thứ lo toan. Không có cả thì giờ hẹn hò hoặc cà phê với bè bạn. Các bạn nước ngoài của tôi chứng minh ngược lại. Họ đã đi qua vài chục nước, giàu nghèo đủ cả, nhưng không thấy đâu người dân lại rảnh rỗi như Việt Nam. Lào sống chậm nên chẳng vội khi làm việc và ung dung lúc nghỉ ngơi. Mỹ, Nhật và các nước châu Âu luôn hối hả làm việc nên rảnh là thư giãn xả stress.

Ở các nước, chỉ kẹt xe giờ cao điểm. Trong giờ làm việc, đường phố, quán ăn và cửa hiệu vắng hoe. Cuối ngày hoặc những dịp nghỉ, người dân tràn ra đường phố như kiến vỡ tổ.

Lần đầu đến Sài Gòn, ai cũng ngạc nhiên. Đường phố lúc nào cũng ngột ngạt xe cộ, toàn xe gắn máy;  cao điểm và thấp điểm chỉ một mười một tám. Mỗi người một xe, chạy khắp thành phố. Xa cũng xe, gần cũng xe, vài trăm mét cũng xe. Rất ít người đi bộ.

Trong giờ làm việc mà quán xá cứ tưng bừng như ngày nghỉ. 8 - 9 giờ mà nhiều viên chức mặc đồng phục, cả lực lượng vũ trang, vẫn nhẩn nha ăn sáng. 14 giờ vẫn lai rai ăn trưa và chừng 17 giờ là kẹt xe, hàng quán kín chỗ đến khuya, nhất là các cửa hàng ăn nhậu, xả láng cùng rượu bia. Có cảm giác, người Việt rảnh rỗi cả ngày, hoặc chỉ làm việc thiệt tình mỗi ngày năm ba giờ?

Người Việt còn thể hiện sự rảnh của mình qua thói quen tò mò và thọc mạch mọi chuyện. Bất cứ chuyện gì cũng quan tâm quá đáng. Va quẹt xe, cãi lộn, chửi lộn, đánh nhau, đánh ghen… cho đến những tai nạn như chết đuối, cháy nhà, đụng xe… là lập tức có đám đông hiếu kỳ tụ tập, bàn tán. Họ tụ tập không phải để can ngăn, cứu hộ, cứu nạn mà chen chúc để xem, để hóng chuyện rồi thêm thắt kể lại ly kỳ làm quà cho người khác. Cứ qua một người kể là câu chuyện tiếp tục “tam sao thất bản”. Nhiều lúc lượng người xem đông gấp mấy chục lần lực lượng chức năng, làm cản trở việc cứu người và xử lý tai nạn. Ở quê cũng vậy, chuyện gì cũng một đồn mười. Cứ làm ra vẻ quan tâm nhưng thật ra đang vô tình mà ác ý, làm khổ người khác. Có rảnh mới như vậy, bận rộn thì còn hơi sức đâu mà chuốc thêm việc nhảm.

Có người bảo, đó là văn hóa của người Việt. Tôi cho rằng, đó chỉ là hội chứng đám đông và thói quen bắt chước của những người thiếu suy nghĩ chứ chưa hẳn là rảnh rỗi. Tuy nhiên, nếu không kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn hiệu quả, hiện tượng này sẽ lây lan và trở thành "văn hóa" của người Việt là điều khó tránh khỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.