Ngày 17.3, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức tôn giáo tham gia góp ý dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, theo mục sư Trần Thanh Truyện (Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam), do các tổ chức tôn giáo còn có các hoạt động khác như giáo dục, y tế, du lịch tâm linh... để phục vụ cộng đồng hoặc để mở rộng cơ sở tôn giáo, cơ sở đào tạo tôn giáo, nên cần tính đến việc cho thuê đất.
Mục sư Truyện đề nghị sửa khoản 4, điều 203 dự thảo lại thành: "Tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất thuộc và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm theo quy định của luật này".
Ngoài đất tôn giáo đã được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, nếu tổ chức tôn giáo sau này có cần mở rộng mà quỹ đất không có sẵn thì chuyển sang thuê đất.
"Vấn đề trên rất hợp lý vì nếu không có nhu cầu sử dụng đất nhiều, thì không tổ chức tôn giáo nào chịu chi tiền thuê đất mà không sử dụng một cách hiệu quả nhất", mục sư Truyện nêu.
Còn theo linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ (Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam), dự thảo vẫn chưa giải quyết được hết các vướng mắc, tồn tại của luật Đất đai năm 2013 liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo.
Cụ thể, khoản 1, điều 30 dự thảo vẫn quy định tổ chức tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua 3 hình thức: được nhà nước giao đất; được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng ổn định; và theo kết quả giải quyết tranh chấp đất đai.
Tuy nhiên, dự thảo vẫn không cho phép tổ chức tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc nhận chuyển nhượng và nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ các tổ chức, cá nhân (điều 49 dự thảo).
Bên cạnh đó, dự thảo chưa quy định rõ nhu cầu sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là một trong những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (điều 165 dự thảo).
Trong khi đó, điều 203 dự thảo quy định "UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo".
Từ đó, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ cho rằng, điều này dẫn đến khó khăn cho tổ chức tôn giáo trong việc xác định và xin giao đất để xây dựng cơ sở tôn giáo.
Khoản 2, điều 203 dự thảo không quy định "cơ sở đào tạo tôn giáo" và "cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo" thuộc trường hợp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. "Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật nếu dự thảo được thông qua", linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ nêu.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ TS Vũ Chiến Thắng, cho biết việc cho thuê đất trong tôn giáo lần đầu tiên được đề cập trong luật.
Trước đây nhiều cơ sở tôn giáo được giao hàng nghìn ha đất nhưng nhu cầu sử dụng lại rất ít, gây lãng phí. "Giao đất và cho thuê đất là đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân. Tôn giáo nào có tiềm lực thì thuê đất, đây cũng là cách nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng tôn giáo để tạo quỹ đất sử dụng cho cá nhân", thứ trưởng Chiến Thắng nói.
Còn đối với vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, theo thứ trưởng, rất khó để định lượng được tôn giáo phát triển như thế nào để quy hoạch. Vì có tôn giáo phát triển vượt bậc nhưng cũng có địa phương tôn giáo không phát triển.
Ngoài ra, về mua bán chuyển nhượng đất đai, các hộ dân không có nhu cầu sử dụng đất mà muốn chuyển nhượng cho tôn giáo thì cũng phải qua sự quản lý của nhà nước. Thiếu bao nhiêu thì nhà nước tính toán giao đất, việc làm này cũng để đảm bảo quyền bình đẳng cho các tôn giáo.
Bình luận (0)