Tổn thất lớn vì suýt xâm phạm sở hữu trí tuệ

09/06/2014 03:25 GMT+7

Không chỉ tự vệ trước các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với mình, nhiều doanh nghiệp còn phải cẩn trọng để không vô tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác.

Không chỉ tự vệ trước các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với mình, nhiều doanh nghiệp còn phải cẩn trọng để không vô tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác.

 Hàng hóa vi phạm quyền SHTT đã được xử lý bằng cách cho vào lò đốt  - Ảnh: Hoàng Việt
Hàng hóa vi phạm quyền SHTT đã được xử lý bằng cách cho vào lò đốt  - Ảnh: Hoàng Việt

Bà Phan Thị Châu, Tổng giám đốc Công ty CP thương mại và đầu tư Vĩ Long - một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và dược phẩm, cho biết năm 2011, Công ty Vĩ Long có kế hoạch đưa vào thị trường một mặt hàng thực phẩm chức năng.

Tốn công tốn của

 

Hiện vẫn còn nhiều nhà sáng tạo kỹ thuật có thói quen cứ đợi đến khi sáng chế vào được thị trường sơ bộ rồi mới ra quyết định đăng ký bảo hộ độc quyền thì đơn đăng ký nói chung đã bị mất tính mới và gần như đánh mất cơ hội nhận bằng độc quyền

Ông Thân Thế Hào,
Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong

Mọi hoạt động xúc tiến từ việc đăng ký thủ tục lưu hành sản phẩm, bán hàng, đến việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đều được khẩn trương thực hiện. Đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp vào tháng 1.2012 và đến tháng 3.2012 thì nhận được quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. "Mọi việc đang trơn tru thì bất ngờ chúng tôi nhận được thông báo của Cục SHTT về việc có bên thứ ba gửi đơn phản đối đơn đăng ký, với lý do nhãn hiệu của chúng tôi trùng đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của họ. Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi nhận biết rằng việc phản đối của bên thứ ba là có cơ sở", bà Châu chua xót kể.

Hậu quả là công ty không được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhưng một tổn thất lớn hơn ở giai đoạn đó là toàn bộ chi phí tiếp thị sản phẩm đã bỏ ra đành uổng phí, phải bồi thường thêm cho các hợp đồng đã giao kết với các nhà phân phối, lại ít nhiều tổn thất uy tín với họ. Công ty phải tiếp tục chi phí để chuẩn bị lại mọi thủ tục từ đầu. Nhưng với bà Châu, thế vẫn còn may mắn vì nhờ hành vi phản đối sớm của bên thứ ba mà công ty chưa bị rơi vào trường hợp xâm phạm quyền của người khác, vừa có thể bị phạt hành chính, vừa có thể phải bồi thường dân sự nếu đã bán hàng thuận lợi.

Chủ động từ sớm

Đánh giá không đúng tầm quan trọng của pháp luật SHTT cũng khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn. Ông Thân Thế Hào, Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong - tác giả của sáng chế “Ứng dụng hố ga nhựa chống triều cường”, nhận xét: “Hiện vẫn còn nhiều nhà sáng tạo kỹ thuật có thói quen cứ đợi đến khi sáng chế vào được thị trường sơ bộ rồi mới ra quyết định đăng ký bảo hộ độc quyền thì đơn đăng ký nói chung đã bị mất tính mới và gần như đánh mất cơ hội nhận bằng độc quyền. Khi này, nếu sáng chế may mắn có được triển vọng thị trường tốt, thì mọi đối thủ cạnh tranh đều có thể lao vào và nhà sáng chế có thể chỉ còn là người lót đường cho dòng sản phẩm mới mà chính mình đã sáng tạo ra”.

Ông Thân Thế Hào khuyên các nhà sáng chế, ngay sau khi các suy nghĩ kỹ thuật đã được kiểm chứng về lý thuyết, hãy nộp đơn đăng ký ngay với lệ phí nộp đơn không cao. Tiếp đó, mọi sáng tạo, cải tiến, mở rộng tiếp theo, nếu có, đều có thể tiếp tục nộp đơn bảo hộ mới, trên cơ sở bảo lưu các nội dung đã hàm chứa trong các đơn được nộp trước đó, theo nguyên tắc có 12 tháng hưởng quyền ưu tiên từ đơn nộp trước trong pháp luật sáng chế hiện hành.

Mai Vọng

>> Công ty Xuân Lan 727 thắng kiện tranh chấp sở hữu trí tuệ
>> Hàng giả, kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ tăng đột biến
>> Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
>> Kỷ lục gia sở hữu trí tuệ
>> Nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ
>> Bắt vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.