Tôn vinh văn hóa đọc

Ngọc An
Ngọc An
21/04/2019 08:45 GMT+7

Trung bình người VN thụ hưởng 4,2 cuốn sách/năm, trong đó 2 - 3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách/năm.

Trong khi đó, ở Malaysia - một quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á, mỗi người dân thụ hưởng 12 cuốn sách/năm. Những con số thống kê trên được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra cho thấy VN thuộc nhóm quốc gia đọc sách thấp nhất thế giới.

Cần nhìn thẳng thực tế

Đất nước ta muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí. Mỗi người dân phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách VN, hướng đến 3 mục tiêu: khuyến khích người VN đọc sách; tôn vinh giá trị của sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc VN. Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về Ngày sách VN vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Mặc dù kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa, làm sao cho Ngày sách VN, văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa mọi ngóc ngách, mọi cấp ngành hơn nữa. Đó đây còn nhiều nơi chưa tích cực, còn hình thức”. Ông cũng nhấn mạnh: “Đất nước ta muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí. Mỗi người dân phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn”.
2 năm trước, đề án Phát triển văn hóa trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, nhìn nhận VN vẫn chưa có văn hóa đọc. “Trước năm 1945, cả nước có hơn 90% dân số mù chữ. Từ năm 1945 đến năm 1975 lại chiến tranh liên miên nên việc đọc sách chưa phải là thói quen của toàn dân. Từ năm 1975 đến nay, đói nghèo, phát triển nóng và thiếu tư duy vĩ mô về thư viện, đã không thể tạo thói quen đọc cho số đông dân chúng trên bình diện quốc gia”, ông lý giải.
Đặc biệt, ở vùng nông thôn, theo khảo sát của nhóm chương trình Sách hóa nông thôn trong gần 20 năm, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, hầu như các gia đình khác không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa, sách bài tập nâng cao của học sinh. Theo con số thu thập được của nhóm sau khi tiến hành khảo sát ở 50 trường học vùng nông thôn một số tỉnh, thành, qua phỏng vấn ngẫu nhiên và lấy thông tin ở các thư viện, ở vùng thuần nông, trung bình mỗi học sinh chỉ đọc khoảng 1 đầu sách/năm, các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn bình quân 5 đầu sách/học sinh/năm.
Trong khi đó, GS-TS Đinh Xuân Dũng muốn nói đến hiện trạng “lười đọc”. Ông nhìn nhận: “Xu hướng đọc giải trí, không nhằm một chủ đích gì cụ thể, tìm đến sách để giải tỏa sự căng thẳng, đọc sách khi có thời gian nhàn rỗi. Từ xu hướng này, người đọc không ưa những sách dày, những sách có sức chuyển tải những vấn đề lớn và sâu về cuộc sống và số phận con người, những sách đòi hỏi sự lý giải, phân tích của tư duy, từ đó, một loại sách giải trí, đáp ứng nhu cầu thị trường của một bộ phận công chúng xuất hiện, trong đó có những cuốn có tính giải trí lành mạnh, dễ đọc và cả những đầu sách giải trí tầm thường, tẻ nhạt, thậm chí dung tục, rẻ tiền”.

“Gieo mầm” văn hóa đọc

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để lan tỏa văn hóa đọc, cần tích cực lồng ghép văn hóa đọc với các phong trào như xây dựng gia đình văn hóa, khuyến công, khuyến nông, khuyến học. Điều này cần đi cùng với việc phát huy vai trò các hội như Hội Xuất bản, Hội Khuyến học liên quan tới văn hóa đọc, khuyến khích mọi người tham gia viết sách để có nhiều tác phẩm hay, cũng như tôn vinh các tác giả và tấm gương đưa sách và văn hóa đọc tới mọi nhà. Ông đề nghị Bộ TT-TT cần thực hiện kế hoạch cụ thể đưa đến các bộ, ngành, bên cạnh đó, là đầu mối kiến nghị chính sách về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản đưa sách đến mọi nơi.
Nhiều chuyên gia cho rằng văn hóa đọc phải được hình thành từ sự giáo dục trong gia đình và trong nhà trường, bắt đầu từ hình thành thói quen đọc sách cho trẻ. “Đây là giải pháp tác động từ gốc, tạo nên nền móng lâu dài và bền vững để tác động đến thế hệ trẻ”, PGS-TS Nguyễn An Tiêm (Hội Xuất bản VN) nhìn nhận và cho rằng: “Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, chúng ta phải có một chiến lược giáo dục đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội nhằm vào đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, để giáo dục, đào tạo, giúp họ có đủ năng lực, trình độ nhận thức được tầm quan trọng của sách, từ đó hình thành thói quen tự giác đọc sách”.
“Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình và nhà trường, rồi mới đến xã hội”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đánh giá. Theo ông, khó có thể tạo được thói quen đọc sách cho trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ, người lớn, người thân không bao giờ đọc sách. Học sinh cũng khó có thói quen đọc sách nếu nhà trường chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện hay dạy cho các em học sinh cách đọc sách, hoặc có những yêu cầu học sinh phải đọc sách hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, ngoài sách giáo khoa. Ngoài gia đình, nhà trường, ông Nhựt cũng đề cập tới vai trò của xã hội, trong đó có các đơn vị xuất bản.
Ở góc độ khác, để phát triển phong trào đọc sách, ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng, tiêu chuẩn thư viện theo Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT năm 2003 của Bộ GD-ĐT vốn nhiều bất cập ngay khi ban hành và quá lỗi thời so với nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Bộ GD-ĐT cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Theo ông, bộ tiêu chuẩn phải bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học; xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà. Bên cạnh đó, ông Thạch cho rằng, bộ tiêu chuẩn này cũng nêu rõ chỉ tiêu số đầu sách tối thiểu trẻ em nghe và đọc hằng năm, ví dụ trẻ em Tây Âu đạt con số trung bình 12.000 phút đọc sách/năm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.