Tổng bí thư: Loại bỏ tư tưởng bàn lùi của lãnh đạo trong chống tham nhũng

Chí Hiếu
Chí Hiếu
11/08/2021 15:51 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển nên cần loải bỏ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ là môt trong những vấn đề mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng rất quan trọng đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ, nên đã tập trung để phân tích khi phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra hôm nay, 11.8.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ trong 75 năm qua đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.
Theo đó, Chính phủ cần tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn", vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Một là, về phát triển kinh tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, về phát triển văn hoá, xã hội, một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Thứ ba, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
“Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh theo đúng phương châm: "Phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý.
Thứ tư, về xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, theo Tổng bí thư, “đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ”.
Vì vậy, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". “Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ tin tưởng, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.