Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng

Anh Vũ
Anh Vũ
05/05/2021 16:12 GMT+7

Ngân hàng là lĩnh rất phức tạp và nhạy cảm, vì vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cán bộ phải nâng cao đạo đức, trách nhiệm để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động.

Ngày 5.5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6.5.1951 - 6.5.2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng qua các thời kỳ trong 70 năm qua, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Tổng bí thư yêu cầu trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục phát huy những thành quả lớn lao mà các thế hệ đi trước đã để lại, phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần lưu tâm.
Tổng bí thư đề nghị, ngành ngân hàng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên trong ngành cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành ngân hàng nói riêng.
Đặc biệt chú ý "tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối".
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Tổng bí thư đánh giá tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hướng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, ngành cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Tổng bí thư nhấn mạnh tới việc tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đọc diễn văn khai mạc

Ảnh Tiêu Phong

Trước đó, trong diễn văn kỷ niệm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cách đây 70 năm, ngày 6.5.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của NHNN ngày nay.
Đây là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng đã hòa nhịp cùng với sự đi lên của đất nước, trong chiến tranh cũng như hòa bình, trong dựng xây cũng như đổi mới, phát triển và hội nhập.
Có thể nói, dù ở giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực và cống hiến hết mình, góp phần quan trọng vào thành tựu đáng tự hào của ngành và đất nước nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.