Tổng bí thư: 'Tại sao các đối tượng vi phạm lại trốn được ra nước ngoài?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/09/2021 15:42 GMT+7

Tổng bí thư cho rằng, cần phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng và dẫn chứng việc nhiều đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn được ra nước ngoài là do trong nội bộ có những cán bộ "hư".

"Tiền mất có thể thu lại được, mất niềm tin là mất tất"

Ngày 15.9, các cơ quan nội chính ở T.Ư phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi cơ quan nội chính đều có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và “là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là "thanh bảo kiếm" sắc bén và "lá chắn" vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Điểm lại kết quả của công tác nội chính trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, các cơ quan nội chính có nhiều cố gắng, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Ông dẫn chứng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã tiến hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên. “Đặc biệt là đưa ra xét xử cả các lãnh đạo vi phạm, mười mấy ủy viên T.Ư, 2 ủy viên Bộ Chính trị rồi bí thư tỉnh ủy. Mới đây cũng vừa mới bị xử lý... Đau xót lắm chứ”, Tổng bí thư nói.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư nhấn mạnh, các cơ quan nội chính cũng đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời là lực lượng chủ công trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Tổng bí thư nói thêm, mới đây, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng vừa quyết định bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực.
Theo ông, tham nhũng là hệ quả của những con người hư hỏng về đạo đức, lối sống. Do đó, cần phải tập trung chống suy thoái phẩm chất, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Xử lý tham nhũng cần xử lý tận gốc, từ tư tưởng trong đầu. Đạo đức không trong sáng mới sinh ra ăn cắp, ăn cắp vặt rồi mới tới ăn cắp lớn rồi ra cấu kết, lợi ích nhóm làm hủy hoại đạo đức xã hội, mất niềm tin của dân.
“Tiền mất có thể thu lại được, mất niềm tin là mất tất”, Tổng bí thư nói.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư cũng cho biết, các cơ quan nội chính đã chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực chính ngay trong cơ quan mình, theo đúng quan điểm của Đảng là "phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng", được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Dẫn việc nhiều đối tượng sau khi bị phát hiện vi phạm thì bỏ trốn ra nước ngoài, Tổng bí thư cho rằng, do chính các cơ quan nội chính có “tiêu cực”.
“Tại sao các đối tượng đó lại trốn được ra nước ngoài? Ai tổ chức cho các đối tượng này ra nước ngoài? Không dính dáng các cơ quan chúng ta thì làm sao mà đi được. Nội bộ cơ quan chúng ta không có những người hư thì làm sao mà đi được?”, Tổng bí thư nêu.

Tránh "đầu voi, đuôi chuột" trong phòng chống tham nhũng

Bên cạnh những kết quả, Tổng bí thư cũng lưu ý, công tác nội chính vẫn còn những hạn chế, như có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu tính quyết liệt; còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và chưa chủ động kiên quyết xử lý khi có vi phạm, khuyết điểm.
Cạnh đó, vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính; một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...
Trong thời gian tới, Tổng bí thư đề nghị các cơ quan nội chính phải nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; dự báo đúng tình hình, tham mưu với Đảng và Nhà nước các chủ trương, giải pháp kịp thời; có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ, bài bản, khoa học.
Tổng bí thư cũng lưu ý thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, tránh tình trạng hình thức, phong trào, được chăng hay chớ, lúc đầu thì rầm rộ, nhưng sau thì cứ nguội lạnh dần, "đầu voi đuôi chuột"; "càng không được làm động tác giả, làm ra vẻ ta đây làm nhưng thật ra che đậy cái khác, bề ngoài hăng hái thế nọ thế kia, nhưng bên trong lại là cái sai trái".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, các cơ quan nội chính nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, "hiệp đồng tác chiến" giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, phối hợp không có nghĩa là "dĩ hòa vi quý", bỏ qua sai phạm của nhau, nhân nhượng vô nguyên tắc, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ.
Một vấn đề khác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý là đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Ông lưu ý, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá bằng cách hướng lái hệ thống pháp luật của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay…
Ông khẳng định, thượng tôn pháp luật nhưng pháp luật phải đúng đắn, vì pháp luật do chính chúng ta làm ra, không thể lấy lý do luật quy định nên phải thực hiện để cài vào đó lợi ích của bộ, ngành mình. "Phải tuyệt đối tránh tình trạng đó", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Do vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không để ung thành họa; phải "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã dạy.

Loại bỏ thái độ bàng quan, vô cảm trước bức xúc của nhân dân

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các cơ quan nội chính phải luôn luôn đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc của dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, dựa vào nhân dân.
"Phải kiên quyết loại bỏ thái độ bàng quan, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân; kiên quyết loại bỏ mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Về công tác cán bộ trong ngành nội chính, Tổng bí thư cũng lưu ý, công tác nội chính phải thường xuyên đối mặt với những thách thức, tiêu cực trong xã hội, những môi trường nhạy cảm, khiến con người rất dễ bị mua chuộc, sa ngã, "nhúng chàm".
Do đó, cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết, phải rất cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống; phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực; và đặc biệt, bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào.
"Cán bộ nội chính phải thực sự công tâm, khách quan "phụng công thủ pháp", chí công vô tư; phải là những "Bao Công" trong thời đại mới", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.