Tổng Bí thư Tô Lâm: Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%

Quý Hiên
Quý Hiên
18/11/2024 13:02 GMT+7

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một trong 4 việc cần làm ngay với ngành GD-ĐT là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra.

Sáng nay, 18.11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng Bí thư cho rằng một trong 4 việc cần làm ngay với ngành GD-ĐT là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đại diện các nhà giáo Việt Nam tại cuộc gặp mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sáng 18.11

ẢNH: DUY THÀNH

Nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay

Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi lời chúc mừng và lời thăm hỏi ân cần tới tất cả thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc nhân dịp Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ghi nhận những thành tựu mà ngành GD-ĐT đạt được trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, song Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra, đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: "Nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay"

ẢNH: DUY THÀNH

Theo Tổng bí thư, nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Một số hạn chế của giáo dục, đào tạo kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, còn lúng túng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế.

Chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công tâm nguyện của Người khi và chỉ khi chúng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo.

Trách nhiệm vinh quang đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết và trực tiếp nhất là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng".

Tổng Bí thư Tô Lâm

Giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; "nặng" về lý thuyết, "nhẹ" về thực hành; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường. Hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, không chỉ gây ra lãng phí lớn, mà còn phản ánh rõ nét hạn chế của giáo dục đào tạo.

Phương pháp giáo dục chưa phát huy được sự tích cực, sáng tạo của người học, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng và phẩm chất cho người học; hiệu quả đầu tư giáo dục chưa tương xứng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Nói về những hạn chế của GD-ĐT, Tổng Bí thư còn đề cập tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi, mù chữ, tái mù chữ ở vùng sâu, vùng xa.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 3 vấn đề ngành giáo dục cần thực hiện

Đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới, một bộ phận nhỏ vẫn còn có biểu hiện vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, trong khi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

Bốn việc cần làm ngay

Tổng Bí thư lưu ý, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Để giải quyết bài toán "chất lượng nguồn nhân lực", Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là tập trung thực hiện cho bằng được mục tiêu cao nhất hiện nay, đó là "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng".

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (phải) và Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân (trái)

ẢNH: DUY THÀNH

Vấn đề thứ hai là một số công việc cần làm ngay. Trong đó Tổng Bí thư nêu ra 4 việc. Việc đầu tiên là có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thứ hai là phát động thực hiện phong trào "bình dân học vụ số" (để phục vụ công cuộc chuyển đổi số theo yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu - PV).

Việc thứ ba là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thứ tư, Tổng Bí thư nói: "Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa."

Tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác

Vấn đề lớn thứ ba, theo Tổng Bí thư, là việc tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20%- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm đón nhận bó hoa do đại diện sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội tặng

ẢNH: DUY THÀNH

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, ngành GD-ĐT cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo.

"Có giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, vừa làm việc trong ngành giáo dục, đồng thời cống hiến ở ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng môi trường học tập thật sự lành mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường với gia đình, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của gia đình và trách nhiệm của xã hội", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.