Cùng dự buổi lễ có nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ...
Tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn
Ôn lại truyền thống 50 năm giải phóng Phước Long, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, từ tháng 10.1974, Bộ Tư lệnh Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn.
Sau thời gian gấp rút chuẩn bị, đêm 12.12, rạng 13.12.1974, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long chính thức bắt đầu. Sau 25 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 6.1.1975, ta đã đột kích vào trung tâm tỉnh lỵ Phước Long, cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Tỉnh trưởng, đánh dấu sự kiện Phước Long hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long thắng lợi hoàn toàn, mở ra vùng giải phóng rộng lớn với hơn 50.000 dân.
Bà Hiền khẳng định, chiến thắng Phước Long là thắng lợi sau 20 năm chiến đấu không ngừng của quân, dân Bình Phước; là thắng lợi của sự kết hợp sức mạnh ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); là mồ hôi, công sức, xương máu của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống để giành độc lập, tự do.
Chiến thắng Phước Long còn tạo bàn đạp vững chắc cho các binh đoàn chủ lực cơ động hướng về giải phóng Sài Gòn, giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam.
Sau 50 năm ngày chiến thắng Phước Long, Bình Phước hướng đến mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam bộ.
Phước Long, vùng đất một thời máu lửa đã thay đổi diện mạo
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ của quân và dân ta, tạo cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do.
Tổng Bí Thư cũng nhận định, với khí chất của con người vùng đất "Gian lao mà anh dũng", sau gần 50 năm giải phóng toàn tỉnh (23.3.1975 – 23.3.2025) và 28 năm tái lập (1.1.1997 - 1.1.2025), từ một địa phương có cơ sở hạ tầng yếu kém, quy mô kinh tế nhỏ, đời sống của nhân dân khó khăn, Bình Phước đã và đang đổi thay từng ngày, đang chuyển dần từ khu vực "dự trữ phát triển" sang "động lực phát triển" của cả khu vực.
"Quê hương Phước Long, vùng đất một thời máu lửa và oanh liệt nay đã có diện mạo của đô thị sinh thái, bản sắc, văn minh; cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn được nâng cao rõ rệt...", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi lời chúc mừng, biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước nói chung, TX.Phước Long nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.
Tổng Bí thư yêu cầu trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước cần tập trung tăng tốc bứt phá để hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra; chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí, tiếp tục lập nhiều thành tích ấn tượng trong kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và thịnh vượng.
"Đẩy nhanh hiện đại hóa chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, các đột phá về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; quyết tâm hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số, kinh tế số, xã hội số", Tổng Bí thư đề nghị.
Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức bộ máy theo tinh thần "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"; xây dựng đội ngũ cán bộ "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân";
Chú trọng xây dựng văn hóa Bình Phước "đa dạng, bản sắc, hội nhập", con người Bình Phước "hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo" để làm phong phú thêm nguồn tài nguyên tinh thần của dân tộc; xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tiếp tục khai thác tiềm năng của TX.Phước Long
Đối với TX.Phước Long, Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Phước. Đặc biệt cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang đặc trưng riêng của thị xã, phấn đấu đưa Phước Long trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.
Tổng Bí thư cũng đề nghị các ban, bộ, ngành T.Ư và các địa phương tiếp tục quan tâm, hợp tác, hỗ trợ tỉnh Bình Phước và TX.Phước Long trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Tổng Bí thư cũng chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TX.Phước Long được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, vì đã có những thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận (0)