Cung cấp thông tin tới báo chí, ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra thuộc Tổng cục Thuế, cho biết không bình luận về số liệu của Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, bởi đó là số liệu của cơ quan kiểm toán đưa ra và ngành thuế chưa nắm được việc này.
Theo ông Lai, khi Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán ngân sách tại 1 địa phương, sẽ có 1 tổ kiểm toán tại cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đều đã có các văn bản chỉ đạo Cục thuế các địa phương phối hợp chặt chẽ, cung cấp hồ sơ cho cơ quan kiểm toán.
Vẫn theo ông Lai, sau khi kết thúc, cơ quan kiểm toán sẽ lập biên bản kiểm soát, đối chiếu, từ đó ra số chênh lệch về thuế, những sai phạm về thuế của các doanh nghiệp.
“Có thể thời điểm kiểm toán nhà nước vào kiểm toán thì doanh nghiệp chưa kê khai thuế, nhưng sau đó doanh nghiệp đã kê khai bổ sung, vì luật Quản lý thuế hiện hành cho phép khai bổ sung. Tuy nhiên, lúc này cơ quan Kiểm toán đã xếp doanh nghiệp đó vào diện sai phạm. Do vậy, một số doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi kết luận họ sai phạm là chưa thật sự chính xác", ông Lai thông tin.
Song, Quyền vụ trưởng Vụ Thanh tra cũng thừa nhận, theo kế hoạch thanh tra hằng năm của Tổng cục thuế, số vụ việc phát hiện có vi phạm cũng rất lớn, tỉ lệ trên 90%. Cơ quan thuế áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, nên hằng năm phân tích rủi ro để chọn các doanh nghiệp thanh tra, tỉ lệ phát hiện vi phạm cũng rất nhiều.
Ông Lai cũng chỉ ra những bất cập về chính sách hiện nay chưa theo kịp, chưa đồng bộ với tất cả các hành vi ở thực tiễn nên phải liên tục sửa đổi. Ngoài ra, quản lý thuế theo cơ chế tự khai tự nộp nên cần chia sẻ cho các doanh nghiệp về những hiểu biết chưa đầy đủ và quan niệm chưa chuẩn về pháp luật thuế.
Nhắc lại vụ việc vào đầu năm 2018, ông Lai cho biết, phát biểu trên một tờ báo, Tổng Kiểm toán nhà nước đã đề cập đến việc cơ quan kiểm toán không tiếp cận được trực tiếp doanh nghiệp, cơ quan thuế không muốn cho cơ quan kiểm toán vào vì e ngại. Thời điểm đó, Tổng cục thuế đã làm việc với cơ quan báo chí, cơ quan Kiểm toán về phát biểu này. Bộ Tài chính sau đó cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng về phát biểu của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 15.11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi giải trình cho biết, khi cơ quan Kiểm toán nhà nước kiểm toán tại cơ quan thuế có đối chiếu với các doanh nghiệp thì phát sinh thêm số tăng thu cho ngân sách, ngành tài chính cơ bản đồng thuận.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có những kết luận cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm, nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện. Kiện lần thứ nhất, cơ quan thuế là người ra quyết định thì phải xử lý. Họ không đồng ý, họ kiện lên cấp trên của cơ quan quản lý thuế là Bộ Tài chính xử lý. Nếu không chấp hành nữa thì đưa ra tòa.
"Chúng tôi đề nghị, ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa", ông Dũng nói.
Tranh luận lại, ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán nhà nước khẳng định: “Tôi làm Tổng kiểm toán gần 3 năm chưa có một trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế do người nộp thuế kiện”.
Sau đó, ông Phớc nêu ra một loạt con số như: 2 năm vừa qua, đối chiếu với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thất thu thuế tới 94%. Riêng việc kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm ngoái ngành thuế vi phạm hoàn thuế sai tới 1.496 tỉ đồng. Hay ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP.HCM, Kiểm toán đã kiến nghị Thủ tướng truy thu lại 2.959 tỉ đồng.
“Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Tôi muốn nói thêm là đụng doanh nghiệp nào doanh nghiệp ấy cũng giãy giụa…”, ông Hồ Đức Phớc nói.
|
Bình luận (0)