Tổng giám đốc Công ty SJC đề nghị gỡ bỏ độc quyền vàng miếng

Tổng giám đốc Công ty SJC đề nghị gỡ bỏ độc quyền vàng miếng

18/05/2024 08:18 GMT+7

Sau 12 năm thực hiện nghị định về quản lý giá vàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho rằng Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được dập vàng miếng.

Phóng viên Báo Thanh Niên đã ghi lại những hình ảnh tại trụ sở Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (ở quận 1, TP.HCM) vào sáng 15.5.2024, thời điểm này, giá vàng miếng ở mức hơn 87 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra gần 90 triệu đồng/lượng.

Tổng giám đốc Công ty SJC đề nghị gỡ bỏ độc quyền vàng miếng

Từ trong ra ngoài, khu vực nào cũng chật kín người xếp hàng, chờ tới lượt giao dịch. Tuy nhiên, Công ty SJC lại giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 3 chỉ vàng nhẫn hoặc 1 lượng vàng miếng.

Giá vàng tăng cao, lượng khách cũng tăng cao, trong khi nguồn cung lại giới hạn. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Chiều 16.5, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của TP.HCM, bà Lê Thúy Hằng (là Tổng giám đốc SJC) đã phát biểu nhiều vấn đề xoay quanh thị trường vàng trong thời gian vừa qua.

Tổng giám đốc Công ty SJC đề nghị gỡ bỏ độc quyền vàng miếng- Ảnh 1.

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn thông tin về kinh doanh vàng SJC

THÀNH NHÂN

Bà Lê Thúy Hằng đánh giá nguồn cung khan hiếm, nhu cầu quá lớn, và là doanh nghiệp kinh doanh vàng nên SJC phải cân đối, buộc phải bán cho mỗi người 1 lượng để có nguồn cung ra thị trường.

Số vàng miếng SJC trúng thầu trong các phiên đấu giá vừa qua đều được bán ngay để tránh lỗ và tạo nguồn cung cho người dân.

Bà Lê Thúy Hằng cho biết năm 2012, Công ty SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia vì chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường.

Cùng thời điểm này, Nghị định 24 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng ra đời để kiểm soát nguồn cung, chống "vàng hóa" nền kinh tế. Theo đó, Công ty SJC không được nhập, dập vàng miếng. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý, công ty chỉ được dập lại vàng móp.

Bà Lê Thúy Hằng nhận định đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng cách quá lớn giữa cung và cầu, và Công ty SJC không nhận bất cứ lợi ích gì từ việc thực hiện Nghị định 24.

Tổng giám đốc Công ty SJC nhận định giá vàng hiện nay tăng cao là do tác động của các yếu tố như xung đột địa chính trị, gom mua vàng.

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, thì vàng chính là “mảnh đất màu mỡ" cho giới đầu tư.

Tổng giám đốc SJC đánh giá Nghị định 24 có thành công nhất định khi giúp ổn định nền kinh tế, chống "vàng hóa" nhưng cũng tạo ra những rào cản, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chênh lệch cung - cầu trên thị trường. Từ đó kiến nghị đã đến lúc phải sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với tình hình thực tế.

Cạnh đó, bà Lê Thúy Hằng cũng kiến nghị Nhà nước cần cho nhập khẩu vàng vì các doanh nghiệp hiện không có nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, dẫn đến vàng nhập lậu trở thành vấn đề nhức nhối.

Đồng thời, Tổng giám đốc Công ty SJC đề xuất cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra để thị trường vàng phát triển công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần xuất hoá đơn đỏ khi mua bán để quản lý một cách minh bạch.

Trước biến động giá vàng tăng cao, ông Nguyễn Đức Lệnh (là Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) cho biết đơn vị này đã và đang thực thi các chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có hoạt động tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Nói về các giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết về trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan sát, đánh giá toàn diện diễn biến thị trường vàng. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế tại Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.