Có nguồn dư luận thắc mắc: Cho đến thời điểm hiện tại, vì sao không xử lý hình sự ông Thanh về hành vi 'làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức'?.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng một số bài viết về việc Nguyễn Lê Hải Thanh (35 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM), Tổng giám đốc Công ty CP truyền hình trực tuyến VN (STV) đã có hành vi giả mạo giấy tờ Bộ Công an, thẻ tác nghiệp của Báo Thanh Niên và nhiều báo khác, có nguồn dư luận thắc mắc: Cho đến thời điểm hiện tại, vì sao không xử lý hình sự đối với ông Thanh về hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"?. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.
Phân tích về thắc mắc nói trên, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, theo quy định tại Điều 267, bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” thì: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...”.
Tại Cơ quan công an, ông Thanh đã khai nhận hành vi giả mạo giấy tờ của các cơ quan, tổ chức Ảnh: Công an cung cấp
Theo LS Chánh, “làm giả” ở đây là hành vi làm giống như thật các loại con dấu, giấy tờ hiện đang được phép lưu hành hoặc làm ra các loại con dấu, giấy tờ mới hoàn toàn, chưa có loại tương tự trong đời sống. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…).
“Đối chiếu với hành vi của ông Nguyễn Lê Hải Thanh về việc đã làm giả hàng chục giấy tờ Bộ Công an, thẻ tác nghiệp của Báo Thanh Niên và nhiều báo, đơn vị khác với mục đích qua mặt CSGT và để dễ làm việc với các doanh nghiệp, thì đã có dấu hiệu của tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, LS Chánh nói.
Ông Thanh làm giả giấy giới thiệu của Báo Thanh Niên gửi cho các Sở, ban ngành Ảnh: Công an cung cấp
Ông Thanh giả mạo giấy tờ Bộ Công an Ảnh: Công an cung cấp
Theo đó, hành vi làm giả các loại giấy tờ, như: giấy giới thiệu, thẻ tác nghiệp của Báo Thanh Niên, thẻ ra vào cổng của Bộ Công an hay thẻ tác nghiệp của nhiều tờ báo khác; scan chữ ký của một Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên và scan con dấu của Báo Thanh Niên trong các tài liệu như: giấy giới thiệu, thẻ tác nghiệp trong đó, ghi chức vụ Trưởng ban điện tử phụ trách Báo Thanh Niên Online nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, rõ ràng là dấu hiệu của tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Ông Thanh thực nghiệm lại việc làm giả giấy tờ của Báo Thanh Niên, giấy ra vào cổng của Bộ Công an và các báo Ảnh: Công an cung cấp
Còn theo LS Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM), trong quá trình điều tra, nếu xác định được ông Thanh có hành vi sử dụng những giấy tờ giả này để chiếm đoạt tài sản của cá nhân hay doanh nghiệp thì ông Thanh có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139, bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Có dấu hiệu cấu thành tội “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức"
Theo một điều tra viên lâu năm của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, việc làm giả tài liệu của Báo Thanh Niên, Bộ Công an... do ông Thanh thực hiện có dấu hiệu cấu thành tội “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, theo Điều 267, bộ luật Hình sự.
"Báo Thanh Niên, Bộ Công an là một cơ quan tổ chức. Ông Thanh đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả”, vị cán bộ này cho biết.
Ông Thanh còn làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của Bộ Công an, Báo Thanh Niên là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật.
“Giả ở đây được hiểu là giả tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung. Hành vi phạm tội này được hoàn thành khi ông Thanh không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả Bộ Công an, Báo Thanh Niên và nhiều báo khác; không yêu cầu việc làm giả nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì”, điều tra viên này nhấn mạnh.
Vị điều tra viên này còn phân tích, ông Thanh đã sử dụng con dấu, giấy tờ giả của báo để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.
Ngày 12.9, Cục An ninh văn hóa Thông tin truyền thông (Bộ Công an) cho biết đã phát hiện, tiến hành điều tra đối tượng mạo danh giấy tờ Bộ Công an, thẻ tác nghiệp của Báo Thanh Niên và nhiều báo khác.
Bình luận (0)