Tổng giám đốc Vinatex: 'Khó khăn chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt'

08/01/2024 15:08 GMT+7

Với ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, hiện tại, nhiều đơn vị của tập đoàn vẫn cảm nhận khó khăn chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt.

Cạnh tranh khốc liệt về giá

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2023 - định hướng 2024 do Vinatex tổ chức ngày 8.1, tại Hà Nội, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, trong năm 2023, với ngành dệt may, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất là "khó khăn".

"Đây là năm khó khăn nhất trong suốt lịch sử 29 năm thành lập Vinatex, chưa bao giờ khó khăn như vậy kể cả thời kỳ Covid-19. Trong thời kỳ Covid-19, chúng ta vẫn có những đơn hàng về phòng dịch, khẩu trang, nhưng năm 2023 câu chuyện khác hoàn toàn", ông Hiếu nói.

Tổng giám đốc Vinatex: 'Khó khăn chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt'- Ảnh 1.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí

ĐT

Nếu không tính năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến toàn thế giới "đóng cửa" thì 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm xấp xỉ 10%.

Tổng giám đốc Vinatex nhấn mạnh: "Nhiều đơn vị của tập đoàn đến nay vẫn cảm nhận thấy khó khăn chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt".

Đại diện Vinatex thông tin thêm, năm 2023, với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh; bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Lúc này, các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu sẽ có trọng số lớn trong cạnh tranh ở các quốc gia.

Hiện, thu nhập ngành dệt may Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần so với Ấn Độ, gấp 1,8 lần so với Campuchia, trong khi chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành.

Cùng với đó, tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng năm 2023 trong khi NDT (Trung Quốc) giảm giá 5%, taka (Bangladesh) giảm 5,9%, lira (Thổ Nhĩ Kỳ) giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%.

Tổng hợp các yếu tố đã tạo ra những bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10 - 15%.

Cùng với đơn giá giảm sâu, Vinatex cũng đề cập tới khía cạnh khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10 - 14 ngày… đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.

"Không nghĩ kịch bản xấu nhất lại diễn ra"

Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỉ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỉ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Dù vậy, theo ông Hiếu, nếu so sánh với con số lợi nhuận hơn 1.200 tỉ đồng năm 2022 thì lợi nhuận năm 2023 đạt được là rất thấp, không như kỳ vọng.

"Tập đoàn đã dự báo rất sát về tình hình năm 2023, đưa ra các kịch bản nhưng không nghĩ rằng kịch bản xấu nhất lại diễn ra", ông Hiếu nói.

Tổng giám đốc Vinatex: 'Khó khăn chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt'- Ảnh 2.

Năm 2024, các doanh nghiệp dệt may trong nước đối mặt những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1.7, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023...

HOÀNG HY

Theo Tổng giám đốc Vinatex, đến thời điểm hiện tại, điều tập đoàn cảm thấy may mắn, hạnh phúc là vẫn giữ ổn định được người lao động, hiện là xấp xỉ 62.000 lao động, chỉ giảm hữu cơ 2% do người lao động đến tuổi nghỉ hưu.

"Bởi khi thị trường quay trở lại hồi phục, nếu có đơn hàng mà doanh nghiệp không có người lao động thì cũng không làm được gì", lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh.

Theo ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex, năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%; đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.

Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam; cùng với đó, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1.7, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Theo Vitas, xuất khẩu dệt may năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỉ USD. Toàn ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.