Tổng 'khám sức khỏe' hàng trăm cây cầu tại TP.HCM

16/09/2024 06:16 GMT+7

Vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ kéo theo nỗi lo lắng của người dân cả nước khi lưu thông qua những cây cầu nối đôi bờ sông.

Với địa hình sông nước bao quanh, dù không nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ nhưng TP.HCM đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra "sức khỏe" cho hàng trăm cây cầu lớn nhỏ cùng hầm chui trải khắp các quận, huyện.

Hàng loạt cầu cao tuổi xuống cấp

Theo thống kê, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 223 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Để tránh xảy ra sự cố gây thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn TP.HCM như sự cố sập cầu Phong Châu sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) quét qua, Sở GTVT TP đề nghị các UBND quận huyện và TP.Thủ Đức, các đơn vị thuộc sở và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn TP trong mùa mưa bão.

Tổng 'khám sức khỏe' hàng trăm cây cầu tại TP.HCM- Ảnh 1.

Cầu Bình Triệu 1 đang chờ nâng tĩnh không

Ảnh: NHẬT THỊNH

Đặc biệt, lãnh đạo ngành giao thông yêu cầu các đơn vị chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; các cầu sắt cũ, lâu năm như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…

Những cây cầu cao tuổi mà Sở GTVT đặc biệt lưu ý đều được xây dựng từ trước năm 1975 và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Đơn cử, cầu Tân Thuận 1 nối Q.7 và Q.4 được xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1905, sau khi đào Kênh Tẻ. Cầu có chiều dài 241 m, lòng cầu rộng 8 m và có 2 lề dành cho người đi bộ, mỗi lề rộng 1,25 m. Cây cầu được sửa chữa lớn lần đầu tiên vào năm 1992. Những năm sau đó, cầu tiếp tục có dấu hiệu xuống cấp nên năm 2005, TP đã giao Công ty Freyssinet International et Compagnie (Pháp) tiến hành nâng cấp lần 2.

Những cây cầu chờ 'khám bệnh' ở TP.HCM: Nín thở qua cầu sắt ở Nhà Bè

Để giảm tải cho cầu Tân Thuận 1, năm 2005, TP.HCM hoàn tất xây dựng và đưa cầu Tân Thuận 2 vào khai thác. Cây cầu này được thiết kế gần như song song với cầu Tân Thuận 1 và chỉ cho phép các phương tiện lưu thông từ đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) sang đường Nguyễn Văn Linh (Q.7). Năm 2008, cầu Tân Thuận 1 tiếp tục được sửa chữa để nâng tải trọng lên 30 tấn và chỉ cho phép xe lưu thông 1 chiều, từ đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) sang đường Nguyễn Tất Thành (Q.4).

Gần nhất, năm 2020, Sở GTVT TP đã cấm xe lưu thông qua cây cầu này trong 3 đêm để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Thanh Niên, đó chỉ là hoạt động duy tu tạm thời một số vị trí bị ăn mòn, gỉ sét dẫn đến đứt gãy thanh dàn và bong bật bản táp liên kết. Hiện trạng dầm dọc chủ, đầu thanh đứng - thanh xiên và dầm ngang của nhịp dàn vòm thép tại một số nút dàn trên cầu ghi nhận bị gỉ sét, hư hỏng do ăn mòn. Do đó, TP đã lên kế hoạch tiếp tục sửa chữa, khắc phục hư hỏng, gia cường đảm bảo duy trì khả năng khai thác bình thường của cầu.

Phía đông, cầu Bình Triệu 1 bắc qua sông Sài Gòn trên tuyến đường QL13, nối liền Q.Bình Thạnh và TP.Thủ Đức cũng đã trải qua gần 100 năm lịch sử. Năm 2007, sau quá trình khảo sát, Cục Đường bộ VN có công văn cảnh báo TP.HCM cầu Bình Triệu 1 có nguy cơ sập do quá cũ, yếu trong khi lưu lượng giao thông lớn. Sau đó, TP đã thực hiện nâng cấp, mở rộng cầu từ 2 lên 3 làn xe vào năm 2009. Đến nay, cầu Bình Triệu 1 chưa ghi nhận tình trạng hư hỏng về kết cấu. Tuy nhiên, do tĩnh không quá thấp ảnh hưởng tới năng lực lưu thông của các phương tiện thủy, nên cuối năm 2023, Sở GTVT TP.HCM đã phê duyệt nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 cùng cầu Bình Phước 1 (QL1). Dự kiến, 2 cây cầu này sẽ được nâng tĩnh không lên 7 m, giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang và tải trọng khai thác, thời gian bắt đầu làm từ năm 2023 - 2025.

Khu vực trung tâm TP, cầu Mống - cầu đi bộ bắc qua kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (nối Q.1 với Q.4) cũng đứng đầu danh sách những cây cầu cổ nhất TP.HCM. Năm 2017, tường đá tại khu vực bậc thềm dẫn lên cầu Mống phía Q.4 bỗng xuất hiện nhiều vết nứt, hở bê tông. Theo người dân, lúc đầu chỉ thấy những vết nứt nhỏ và có người đến trét xi măng khắc phục nhưng sau đó, những vết nứt đã hở lớn và có nguy cơ lan rộng. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận đây là những vết nứt cấu tạo, không ảnh hưởng đến kết cấu chính của cây cầu và đã cho gia cố lại, đồng thời sơn lại lan can, cầu thang theo hướng sử dụng vật liệu sơn chống bám bẩn.

Đến năm 2019, cầu Mống tiếp tục có tên trong danh sách loạt cây cầu, hầm đường bộ được cải tạo, sửa chữa, bên cạnh cầu Rạch Ông trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8), cầu Rạch Cát (đường Mễ Cốc, Q.8), cầu Cống Đập Rạch Chiếc (đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9)…

Ám ảnh lưu thông qua những cây cầu "chờ sập"

Không phải tới khi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, người dân TP.HCM mới lo lắng về chất lượng các cây cầu. Đêm 19.1.2018 là mốc thời gian không thể quên đối với nhiều người dân sống tại khu nam TP.HCM khi cầu Long Kiểng cũ (H.Nhà Bè) bị sập. Chiếc xe ben chở đá đang chạy qua thì bất ngờ cây cầu này sập khiến chiếc xe rơi xuống sông, nhiều xe máy đi sau cũng rơi theo, may mắn không có thiệt hại về người. Đến tháng 9.2023, khi cầu Long Kiểng mới được hoàn thành sau 22 năm mỏi mòn chờ đợi, người dân H.Nhà Bè mới thở phào nhẹ nhõm.

Gần cầu Long Kiểng, dọc tuyến đường Lê Văn Lương có tới 3 cây cầu yếu, cũ là Rạch Đỉa, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Trong đó, cầu Rạch Đỉa đã được khởi công dự án sửa chữa, xây mới vào tháng 7.2023. Đến nay, chủ đầu tư và nhà thầu đã thi công hoàn thành 10/10 mố trụ, hoàn thành lao lắp dầm cầu 7/9 nhịp và đang thi công bản mặt cầu, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Còn lại, cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi là 2 cây cầu sắt xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào. Hai cây cầu này đã có dự án xây cầu mới thay thế, phê duyệt từ năm 2016 (với cầu Rạch Dơi) và 2019 (cầu Rạch Tôm) nhưng chưa được triển khai.

Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất bố trí cho dự án cầu Rạch Tôm khoảng 260 tỉ đồng giai đoạn 2024 - 2025 để giải phóng mặt bằng, sau đó triển khai thi công, hoàn thành thông xe cuối năm 2026. Song song đó, cầu Rạch Dơi cũng sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành, thông xe năm 2028. Từ giờ đến lúc đó, người dân khu nam vẫn "vừa chạy vừa run", bởi mỗi lần xe chạy lên cầu là mỗi lần cầu rung lắc mạnh, phát ra những tiếng động lớn do các tấm sắt va vào nhau.

Mới nhất, ngày 9.9.2023, cầu Lò Đường (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, bất ngờ sập giữa đêm cũng khiến những người thường xuyên di chuyển, qua lại khu vực này bất an. Cây cầu dân sinh này được xây dựng từ 30 năm trước, có kết cấu bê tông, lan can sắt và hằng ngày có rất nhiều người lưu thông. Nguyên nhân sập cầu Lò Đường là do mưa lớn, nước kênh dâng cao, chảy xiết, một số cây xanh lớn bị gãy đổ trôi theo dòng nước va đập gây sập cầu. Thời điểm cầu sập, có 2 xe máy vừa kịp chạy tới đầu bên kia, may mắn thoát nạn trong gang tấc.

Theo thông tin từ UBND Q.Bình Tân, cầu Lò Đường thuộc hạng mục tháo dỡ nằm trong phạm vi dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đại diện đơn vị thi công dự án giải thích: Nhận thấy cây cầu phục vụ việc đi lại của người dân nên họ dự định khi dự án sắp hoàn thành mới tháo dỡ cầu Lò Đường nhưng chưa kịp thì cầu đã xảy ra sự cố.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, TP.HCM cần tăng tốc triển khai đúng tiến độ các dự án cầu đường để đảm bảo chất lượng tuyệt đối cho các công trình phục vụ dân sinh, tránh xảy ra tai nạn tang thương. 

Khẩn trương thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng; cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên bàn TP.

Sở GTVT TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.