Tổng lãnh sự Mỹ về Cần Thơ thăm cồn Sơn, thả cá ở sông Hậu

24/04/2021 14:14 GMT+7

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, bà Marie C.Damour rất thích thú khi đến cồn Sơn, Cần Thơ và lần đầu tiên trải nghiệm cho cá lóc bay, cá lóc bú bình cũng như thả cá chạch lấu về sông Hậu.

Nhân ngày Trái Đất và chuyến thăm TP.Cần Thơ ngày 22 và 23.4, bà Marie C.Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã tranh thủ thời gian đến thăm cồn Sơn, thuộc P. Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ.
Cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo đến nhưng không làm chùn bước đoàn khách đặc biệt vượt sông Hậu qua cồn Sơn, nơi được xem là cù lao ngọc nằm giữa sông Hậu hiền hòa, nhánh chính của dòng Mê Kông.

Đoàn của Tổng lãnh sự quán Mỹ di chuyển hơn 1km để đến các nhà vườn làm du lịch cộng đồng

Ảnh: Đình Tuyển

Đoàn di chuyển hơn gần 1km để đến các nhà vườn làm du lịch cộng đồng. Rảo bước trên con đường nhỏ, cũng là con đê chống ngập mùa triều cường của cồn Sơn; một bên sông rạch, một bên là những vườn cây ăn trái và nhà dân, bà Marie C.Damour tỏ ra thích thú với cách bố trí những thùng rác ven đường để du khách có thể bỏ rác đúng chỗ.

Điểm dừng chân đầu tiên của bà Marie C.Damour và đoàn là căn nhà của ông bà Tám, một hộ dân chuyên đan giỏ thủ công ở cồn Sơn

Ảnh: Đình Tuyển

Điểm dừng chân đầu tiên của bà Marie C.Damour và đoàn là căn nhà của ông bà Tám nằm giữa vườn nhãn, một hộ dân chuyên đan giỏ thủ công ở cồn Sơn. Vừa đón khách, ông Tám vừa đan những chiếc giỏ bằng lá dừa; còn bà Tám đánh những chiếc võng bằng lá chuối để làm quà tặng.
Bà Marie C.Damour đặc biệt ấn tượng khi biết người dân đan giỏ lá dừa sử dụng để thay giỏ ni lông và giỏ nhựa. Cùng với đó là câu chuyện người dân miền Tây xưa kia vẫn quen sử dụng những chiếc giỏ lá, giỏ đệm từ lá dừa hay lục bình tự đan này để mang cơm ra đồng; trẻ em đi học xa cũng dùng giỏ lá để mang cơm đến trường.

Bà Marie C.Damour đặc biệt ấn tượng khi biết người dân đan giỏ lá dừa sử dụng để thay giỏ ni lông và giỏ nhựa

Ảnh: Đình Tuyển

Những thành viên trong đoàn đều ấn tượng khi người dân tận dụng những nguyên liệu tự nhiên để làm các vật dụng thân thiện môi trường

Ảnh: Đình Tuyển

Đoàn của Tổng lãnh sự quán Mỹ xem chủ vườn cho cá lóc bay ăn

Ảnh: Đình Tuyển

Bà Marie C.Damour trải nghiệm cho cá lóc bú bình

Ảnh: Đình Tuyển

Tại nhà vườn Thành Tâm, bà Marie C.Damour đã được chủ vườn mời trải nghiệm cho đàn cá lóc bay ăn và sau đó trực tiếp cho cá ăn bằng hình thức bú bình. Đây vốn là hai trong những sản phẩm du lịch đặc biệt của người dân cồn Sơn.
Điểm đến thứ ba của đoàn Tổng lãnh sự quán Mỹ là nhà vườn Công Minh, một điểm tham quan chuyên phục vụ bánh dân gian. Bà Marie C.Damour và các thành viên trong đoàn thích thú khi được chứng kiến và nghe giới thiệu về từng công đoạn làm bánh như xay bột làm bánh, gói lá, nướng bánh và thưởng thức những loại bánh dân gian độc đáo như bánh lá mít, bánh kẹp cuốn, bánh bông lan.

Quà của người dân cồn Sơn tặng bà Marie C.Damour là chiếc giỏ đệm thủ công

Ảnh: Đình Tuyển

Ấn tượng với sự thân thiện của người dân cồn Sơn, bà Marie C.Damour đã tặng người dân những món quà nhỏ đó là những huy hiệu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Người dân cồn Sơn cũng tặng phía đoàn Tổng lãnh sự Mỹ những chiếc giỏ đệm thủ công do người dân tự làm.

Tổng lãnh sự quán Mỹ gắn tặng huy hiệu kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ cho người dân

Ảnh: Đình Tuyển

Sau hơn 1 giờ tham quan trên cồn, đoàn Tổng lãnh sự Mỹ ghé thăm điểm đến cuối cùng là bè cá Bảy Bon, nơi đang nuôi và bảo tồn nhiều loài cá quý của sông Mê Kông như cá hô, tra dầu, cá có, cá trà sóc, cá chạch lấu…
Tại đây, bà Marie C.Damour được chủ bè mời thả hàng chục con cá chạch lấu về sông Hậu. Đây là một loài cá chỉ có ngoài tự nhiên đã được vợ chồng ông Bảy Bon cho sinh sản thành công.

Nơi đoàn dừng chân là một căn nhà đặc trưng Nam bộ của gia đình nghệ nhân bánh dân gian Phan Kim Ngân

Ảnh: Đình Tuyển

Tổng lãnh sự Mỹ, Marie C.Damour chia sẻ bà vô cùng ấn tượng trước sự thân thiện của người dân và lối sống thuận theo thiên nhiên của cồn Sơn. “Người dân Cồn Sơn rất thông minh khi có những thông điệp hay như "hãy để lại nụ cười chứ đừng để lại rác" nhắc nhở khách tham quan có ý thức với cộng đồng với dòng sông", bà nói.

Tổng lãnh sự Mỹ ghé thăm điểm đến cuối cùng là bè cá Bảy Bon, nơi đang nuôi và bảo tồn nhiều loài cá quý như cá hô, tra dầu, cá có, cá trà sóc, cá chạch lấu…

Ảnh: Đình Tuyển

Tổng lãnh sự Mỹ thả cá chạch lấu về sông Hậu nhân Ngày Trái Đất

Ảnh: Đình Tuyển

“Đầu tiên, những món đồ truyền thống thật hết sẩy và tôi thích nỗ lực của người dân Cồn Sơn tự tạo ra các sản phẩm tại chỗ, lấy vật liệu từ thiên nhiên và khéo léo biến chúng thành bất kỳ món đồ gì mà họ cần đến, giống như cái giỏ bằng lá mà ông Tám đã làm. Và đó cũng là điều tôi đánh giá cao về người dân ở đây. Họ cho thấy con người thời nay không cần phải theo đuổi những thứ hiện đại, mà chúng ta hoàn toàn có thể tận hưởng truyền thống trong khi vẫn có được những thứ mình muốn”, bà Marie C.Damour nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.