Tổng rà soát, giải quyết dứt điểm các khó khăn cho doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
11/08/2022 14:58 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn , vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp , đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn.

Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vừa kết thúc trưa nay, 11.8.

Thủ tướng phát biểu kết luận

nhật bắc

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị.

Thủ tướng cũng chia sẻ với các khó khăn, thách thức và cả hy sinh, mất mát mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua; chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống, "đồng cam cộng khổ" cùng đất nước và nhân dân, khẳng định truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, "biến nguy thành cơ".

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Thủ tướng thừa nhận còn nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, đó là sức ép lạm phát, giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thiếu hụt lao động cục bộ; khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó cung và cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng, thị trường xuất khẩu có khả năng thu hẹp do nhu cầu giảm; quy mô, năng lực, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế; việc tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chưa được như mong muốn, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… còn gặp khó khăn.

Để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng.

Thứ nhất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp.

Song song đó phải làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số….

Tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp

Trong ngắn hạn, Thủ tướng lưu ý cần tập trung triển khai ngay việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu

Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vắc xin theo mục tiêu đã đề ra.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Đối với cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.