Cần làm gì để tránh thảm nạn du lịch đường thủy ?: Tổng rà soát hoạt động tàu, ca nô du lịch

01/03/2022 04:44 GMT+7

Sau thảm nạn lật ca nô du lịch trên biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) vào chiều 26.2, nhiều địa phương có du lịch đường thủy phát triển đã tiến hành tổng rà soát hoạt động của các phương tiện tàu, ca nô chở khách.

Đà Nẵng chấm dứt hoạt động tàu hoán cải

Nhằm kích cầu và tăng thêm sản phẩm du lịch, Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã công bố hoạt động bến thủy nội địa CT15 tại bán đảo Sơn Trà. Bến có khả năng phục vụ tàu dưới 50 chỗ ngồi, dự kiến hoạt động dịp 30.4 - 1.5 sắp đến.

Theo ông Đặng Hòa, Chủ tịch Chi hội vận chuyển du lịch đường thủy (Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng), bến thủy nội địa CT15 là bến hoạt động tuyến vùng ven biển đầu tiên của TP.Đà Nẵng. Lâu nay, tàu du lịch hoạt động tuyến thủy nội địa chủ yếu chạy trên sông Hàn về phía thượng nguồn với tổng cộng 20 chiếc tàu lớn (trung bình 100 chỗ/tàu) của hơn 10 đơn vị. Các doanh nghiệp khác cũng đã đầu tư 10 tàu cao tốc (30 - 42 chỗ/tàu) để hoạt động tuyến biển, nhưng 2 năm qua bị dịch Covid-19 nên chưa vận hành chính thức.

“Sau vụ chìm tàu Thảo Vân trên sông Hàn năm 2016 làm 3 người chết, TP.Đà Nẵng đã cấm tàu cá hoán cải thành tàu du lịch và tàu du lịch cỡ nhỏ dưới 50 chỗ hoạt động trên sông Hàn, bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư tàu quy mô để đảm bảo an toàn”, ông Đặng Hòa nói.

Cũng theo ông Đặng Hòa, hiện nay quy trình kiểm soát được thắt chặt sau các vụ chìm tàu du lịch. Du khách tuyệt đối phải mặc áo phao và qua 3 khâu kiểm soát gồm cảng vụ, biên phòng và quản lý cảng; đồng thời có camera giám sát trên tàu để cảng vụ theo dõi.

Ca nô chở khách ra đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Phạm Anh

Gió cấp 5, 6 là không cho ca nô ra đảo

Hiện nay mỗi ngày tuyến vận tải hành khách từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có hơn 10 đầu phương tiện, trong đó có 7 tàu siêu tốc. Dịp lễ tết, cứ 15 - 20 phút là có một chuyến tàu Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Vào các ngày lễ, cao điểm có ngày huyện đảo Lý Sơn đón 4.000 khách, trong đó có hàng ngàn người đi ra đảo Bé (thuộc huyện đảo Lý Sơn) tham quan và lặn ngắm san hô.

Để an toàn cho du khách và người dân, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết mặc dù từ đảo Lớn sang đảo Bé chỉ khoảng 3 hải lý nhưng người lái ca nô phải có bằng lái và các chứng chỉ hành nghề theo quy định. Ca nô xuất bến phải có sự phối hợp giữa Ban quản lý cảng Lý Sơn và Trạm kiểm soát biên phòng tại đây. “Biển mà gió cấp 5, cấp 6 trở lên là dứt khoát không cho ca nô, tàu chở khách ra đảo Bé”, ông Ninh nói.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Quảng Ngãi cũng quy định: Tuyệt đối không được cho tàu rời cảng trước thời gian quy định. Trường hợp ca nô, chủ tàu thuyền không trang bị áo phao cho khách, chở quá trọng tải, chạy quá tốc độ, bị phản ánh của hành khách về vi phạm chất lượng dịch vụ và không chấp hành đúng các quy định về vận tải hành khách đường thủy nội địa, thì tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 đến 7 phiên hoặc 1 tháng.

Tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát

Tại tỉnh Bình Định có 15 tuyến giao thông đường thủy nội địa, trong đó các tuyến có đông khách đi lại hằng ngày gồm: Quy Nhơn - Nhơn Châu (30 km), Hàm Tử - Hải Minh (0,8 km), Vinh Quang 2 - Cồn Chim (0,8 km), Nhơn Tân - Canh Tiến (10 km), An Quang - Vĩnh Lợi (0,5 km)… Đặc biệt vào mùa du lịch lượng du khách đến các điểm du lịch biển, đảo nổi tiếng ở TP.Quy Nhơn như Kỳ Co (xã Nhơn Lý), Hòn Khô (Nhơn Hải), Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu) rất đông.

“Hiện cả xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) có 53 phương tiện chuyên chở khách đi du lịch các điểm Kỳ Co, Hòn Khô, Hòn Sẹo... đủ điều kiện hoạt động. Ngày 10.2 vừa qua, UBND xã Nhơn Lý tổ chức gặp mặt các chủ hộ kinh doanh dịch vụ du lịch nhân dịp đầu năm, tôi cũng yêu cầu họ phải đảm bảo an toàn cho du khách, riêng việc vận chuyển khách bằng đường thủy phải tuyệt đối an toàn, nếu du khách không mặc áo phao thì kiên quyết không vận chuyển. Lực lượng công an, biên phòng ở xã Nhơn Lý phối hợp tham gia kiểm tra, quản lý các phương tiện vận chuyển du khách bằng đường thủy”, ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, nói.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, tổng số phương tiện tàu, thuyền đăng ký tham gia vận chuyển hành khách đường thủy của tỉnh này là gần 300 chiếc, trong đó có hơn 200 tàu vỏ gỗ, 93 tàu cao tốc, ca nô chở khách du lịch. Để đảm bảo an toàn du lịch đường thủy, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công an tỉnh, Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, tăng cường quản lý các bến đò ngang, các điểm du lịch, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh…

Nhiều phương tiện không được kiểm soát

TP.Phú Quốc (Kiên Giang) hiện có khoảng 30 phương tiện thủy nội địa hoạt động vận chuyển hành khách tham quan du lịch quanh các đảo, câu cá và lặn ngắm san hô, giảm hơn một nửa so với trước. Ngoài ra, còn có khoảng 80 ca nô, bo bo công suất cao, hoạt động chủ yếu ở P.An Thới để đưa rước khách ra tham quan du lịch các đảo; hơn 70 phương tiện máy đuôi tôm hoạt động tại vùng biển trên địa bàn P.An Thới, chủ yếu đưa rước khách và vận chuyển hàng hóa từ bờ ra các phương tiện trên biển và ra các đảo lân cận.

Trong thời gian qua, hoạt động của các phương tiện này vẫn chưa được các cơ quan chức năng ở TP.Phú Quốc quản lý chặt chẽ. Các phương tiện ca nô, bo bo, máy đuôi tôm đều không đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động. Các cơ quan chức năng không kiểm soát việc ra vào khi xuất bến của các phương tiện.

Phòng Quản lý đô thị đề nghị UBND TP.Phú Quốc chỉ đạo UBND các xã, phường và các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm đúng theo quy định pháp luật; kiên quyết xử lý các phương tiện vận tải thủy, trong đó có ca nô, bo bo, ghe máy đuôi tôm chuyên chở, đưa rước khách tham quan các đảo không đảm bảo an toàn, thiếu chứng chỉ chuyên môn, không đầy đủ các thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu sinh...

Xuân Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.