Tổng thống Belarus vì sao muốn Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở nước mình?

Tổng thống Belarus vì sao muốn Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở nước mình?

15/06/2023 06:41 GMT+7

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 13.6 cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai trên thực tế ở lãnh thổ Belarus "trong vài ngày nữa", và nếu cần, ông cũng có cơ sở để chứa tên lửa tầm xa.

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Lukashenko nói vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai trên khắp Belarus.

"Mọi thứ đã sẵn sàng. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có những gì chúng tôi yêu cầu trong vài ngày tới, và thậm chí nhiều hơn một chút", Tổng thống Belarus nói thêm và lưu ý rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân sẽ đóng vai trò ngăn chặn những mối đe dọa từ bên ngoài.

Ông Lukashenko khẳng định: "Đó là yêu cầu của tôi. Không phải Nga đã áp đặt lên tôi. Tại sao? Bởi vì chưa từng có ai trên thế giới gây chiến với một cường quốc hạt nhân. Và tôi không muốn bất kỳ ai gây chiến với chúng tôi".

Vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga sẽ được triển khai khắp Belarus trong vài ngày tới - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko gặp nhau tại dinh thự Bocharov Ruchei ở Sochi, Nga hôm 9.6

REUTERS

Cùng ngày 13.6, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng trong bối cảnh phương Tây hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga, Moscow có quyền thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo an ninh cho mình và đồng minh.

Bà nhấn mạnh rằng không giống như các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự hợp tác giữa Nga và Belarus trong lĩnh vực hạt nhân "đang được phát triển trong Nhà nước Liên minh [Nga và Belarus], nơi có lãnh thổ chung và học thuyết quân sự chung".

Trước đó, phát biểu tại cuộc gặp với ông Lukashenko ở TP.Sochi (Nga) ngày 9.6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow sẽ giữ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật, và dự kiến bắt đầu triển khai chúng ở Belarus sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng đưa vào hoạt động ngày 7-8.7.

Động thái của Nga và Belarus đang được Mỹ và đồng minh theo dõi chặt chẽ. Washington đã chỉ trích quyết định của ông Putin, nhưng nói rằng Mỹ không có ý định thay đổi lập trường về vũ khí hạt nhân chiến lược và không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng loại vũ khí này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.