Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tới Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này với Tổng thống Joe Biden. Sự kiện này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm tăng cường quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt.
Tokyo và Seoul có một lịch sử lâu dài nhuốm màu bất hòa và không tin tưởng, nhưng căng thẳng đang giảm bớt trong bối cảnh cả hai đều gia tăng lo ngại về Trung Quốc và Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: "Khi các chuẩn mực quốc tế được xây dựng dựa trên tự do và cởi mở đang bị lung lay, mối quan hệ song phương của chúng ta với Mỹ và Hàn QUốc đang ở mức chặt chẽ nhất, sẽ là nền tảng của cơ hội lịch sử này để củng cố quan hệ chiến lược giữa 3 nước".
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tập trung vào nước láng giềng phía bắc trong các bình luận về hội nghị thượng đỉnh vào đầu tuần này: "Để ngăn chặn về cơ bản các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản phải hợp tác chặt chẽ về trang thiết bị trinh sát và chia sẻ dữ liệu tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian thực".
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Triều Tiên cảnh báo có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc thực hiện các hành động quân sự khác để phản đối cuộc họp, theo một nghị sĩ Hàn Quốc hôm 17.8.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh khó có khả năng dẫn đến một thỏa thuận an ninh chính thức về phòng vệ tập thể, nhưng 3 nước này có thể sẽ đồng ý lập một bản ghi nhớ về trách nhiệm khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra khi các nhà lãnh đạo đứng trước những sức ép trong nước: chỉ có 4/10 cử tri tán thành sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida và có rất ít bằng chứng cho thấy mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn là ưu tiên hàng đầu đối với người dân bình thường.
Bình luận (0)